Cụ thể, trong phiên họp thứ 14 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật được thiết kế gồm 3 Điều: Điều 1, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Điều 2, Bãi bỏ một số khoản của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Điều 3, Hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật. Tuy nhiên, nội dung của Tờ trình và Dự thảo luật chưa thực sự đảm bảo để thực hiện các mục tiêu đề ra, do đó đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, dự thảo luật chưa phù hợp với chiến lược cải cách về thuế bảo vệ môi trường; chỉ điều chỉnh tăng khung thuế suất của một số hàng hoá nhất định, trong khi hiện nay mức thuế thực tế đang thực hiện ở một số loại hàng hoá có số thu chính, chủ yếu, quan trọng, chiếm tỷ lệ trên 93% tổng số thu thuế bảo vệ môi trường (xăng, dầu diezel, dầu mazut…) vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần.
Về nội dung cụ thể, đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần bổ sung các sản phẩm màng ni lông, tấm ni lông, dải ni lông, cuộn ni lông dạng ống… được làm từ màng nhựa polyetylen (PE) vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi về đối tượng chịu thuế đối với dung dịch HCFC.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, lựa chọn những sản phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường được sử dụng phổ biến để bổ sung vào diện chịu thuế, góp phần hạn chế việc sử dụng quá mức các chất gây ô nhiễm môi trường trong dân cư, bảo đảm bao quát đầy đủ các đối tượng gây ô nhiễm môi trường.