Ngày hôm qua, 12/9/2017, Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex) có doanh thu 33 tỷ USD, lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử. Theo đó, Synnex sẽ đầu tư sở hữu 47% vốn điều lệ tại FPT Trading. Trong thương vụ mà FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD này, FPT nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Ông Evans Tu, Tổng Giám đốc của Synnex cho biết: “Đây là cách tốt nhất để Synnex gia nhập thị trường tiêu dùng sản phẩm công nghệ, viễn thông, linh kiện điện tử rất hấp dẫn là Việt Nam. FPT Trading là công ty phân phối số 1 Việt Nam trong lĩnh vực này và luôn khẳng định được sự hiệu quả trong việc xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống phân phối trong hơn 20 năm qua”.
Giữa tháng 8 vừa qua, FPT đã thông qua việc bán 30% vốn của FPT Retail. Hai nhà đầu tư tổ chức mua số cổ phần lớn nhất lần này là VinaCapital và Dragon Capital. Theo một thông báo riêng do VinaCapital gửi đi, đăng trên tờ Deal Street Asia, quỹ đã dành tổng cộng 11 triệu USD để mua lại cổ phần từ FPT Retail. Các bên không tiết lộ mỗi cổ phần của FPT Retail giá bao nhiêu, tuy nhiên bà Điệp cho rằng phải trên 90.000 đồng/cổ phần. Đây là mức tối thiểu tập đoàn FPT cam kết mua lại cổ phần của nhân viên, do đó bà Điệp suy đoán mức giá bán cổ phần lần này phải bằng hoặc trên mức tập đoàn cam kết mua lại.
Trang Deal Street Asia dẫn công bố của VinaCapital cho biết theo cam kết của thương vụ này, FPT Retail sẽ niêm yết lên sàn chứng khoán vào năm 2018. Từ đầu FPT Retail cho biết muốn bán cổ phần cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm bán lẻ và thương mại điện tử, nhưng tập đoàn FPT đã bán cho hai nhà đầu tư tổ chức là VinaCapital và Dragon Capital.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cũng cho biết: “Thị trường tiêu dùng Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người và doanh số bán lẻ hàng năm hơn 110 tỷ USD là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Trong đó, ngành bán lẻ điện thoại đi động và thiết bị điện tử có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. FPT Retail, mặc dù mới tham gia thị trường chưa lâu, đã chứng tỏ là một nhà bán lẻ thiết bị di động hàng đầu. Chúng tôi đánh giá cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo tại FPT Retail, cũng như kinh nghiệm quản trị và điều hành của tập đoàn FPT, đây là tiền đề quan trọng để FPT Retail tiến xa hơn trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam”.
Hiện các chuyên gia đưa ra bình luận nhiều liên quan đến 2 thương vụ này của FPT, xong các chuyên gia cho rằng đây là nước cờ khôn ngoan của tập đoàn này.
Trả lời truyền thông liên quan đến việc liên tiếp bán cổ phiếu tại 2 công ty con của mình, ông Trương Gia Bình Chủ tịch FPT cho biết” “FPT đã bán cổ phiếu của 2 công ty. Nếu hỏi vì sao FPT bán cổ phiếu tại 2 công ty này? Câu trả lời là 2 công ty này vẫn đang phát triển rất tốt. Nhưng thị trường đang muốn có hình ảnh của FPT tập trung vào công nghệ chứ không phải kết hợp giữa thương mại và công nghệ. Vì vậy, nhóm công ty liên quan nhiều đến thương mại thì chúng tôi sẽ không sở hữu cổ phiếu đa số nữa. Mục tiêu của FPT sẽ sở hữu cổ phiếu ở những công ty này dưới 50%”.
“Số tiền mà FPT thu được sau khi bán cổ phần tại 2 công ty này chúng tôi sẽ đầu tư vào lĩnh vực phần mềm. Đây là chiến lược mà FPT sẽ tập trung vào phát triển. Những thương vụ mua các công ty phần mềm thì sau thương vụ mua công ty phần mềm của Slovakia thì chúng tôi chưa tìm thấy đối tác tin cậy để mua. Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung mua các công ty tại thị trường Mỹ và thị trường Nhật và sẽ có kết quả rõ ràng” ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.