Bất động sản 24h: Phương án triển khai, quy mô xây dựng đường Vành đai 4 đoạn qua Long An

Diễn biến mới về tuyến Vành đai hơn 105.000 tỉ đồng đoạn qua địa bàn tỉnh Long An; TP.HCM tiếp tục đưa “đất vàng” lên sàn đấu giá, chuyên gia đề xuất gì; Đề xuất chuyển đổi gần 170ha đất rừng để làm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

An Giang chi hơn 360 tỉ đồng xây tuyến tránh đường tỉnh 951

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Tuyến tránh Đường tỉnh 951 (đoạn từ Km8+550 đến Km15+950).

Dự án có tổng chiều dài khoảng gần 9km đi qua địa bàn xã Hòa Lạc và xã Phú Bình (huyện Tân Phú, tỉnh An Giang).

Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng tuyến giao thông phục vụ lưu thông đi lại khu vực bờ tả sông Hậu, tỉnh An Giang. Đồng thời, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế các xã dọc tuyến.

Tổng vốn đầu tư của dựa án là hơn 362 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án gồm 7 gói thầu, trong đó, Gói thầu số 11 Thi công xây lắp (đoạn từ C36+26,05 đến C89+57,68) có giá trị cao nhất (100,5 tỷ đồng) dự kiến đấu thầu rộng rãi trong tháng 8/2024.

Hiện nay, tỉnh An Giang cũng đang nỗ lực đốc thúc tiến độ để hoàn thành dự án tuyến đường nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên vào cuối tháng 5/2024.

Diễn biến mới về tuyến Vành đai hơn 105.000 tỉ đồng đoạn qua địa bàn tỉnh Long An

Văn phòng UBND tỉnh Long An vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út thống nhất một số nội dung liên quan đến phương án triển khai dự án đường Vành đai 4 đoạn qua Long An.

Cụ thể, Long An thống nhất chọn phương án mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An rộng 25,5m để đồng bộ với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và TP.HCM. Đồng thời, chọn phương án 2b đường cao tốc, 100km/h, 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường 25,5m, cầu bố trí hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên 12,25m.

Đoạn sau cầu Cần Giuộc đến ranh tỉnh Long An – TP.HCM (Km 68+800 – Km 74+500, dài 5,7km) đi trên cao để không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại.

Dự án sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ trên địa bàn huyện Đức Huệ (Long An), diện tích khoảng 10ha. Trong đó, trạm dừng chân khoảng 1ha, phần còn lại quy hoạch kết hợp xây dựng các khu thương mại, dịch vụ. Đối với chi phí tái định cư, thống nhất tính chung vào tổng mức đầu tư dự án để đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn. Về cơ chế vốn, Long An thống nhất đề xuất ngân sách Trung ương 90%, ngân sách tỉnh 10%.

TP.HCM tiếp tục đưa “đất vàng” lên sàn đấu giá, chuyên gia đề xuất gì?

Sở Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) đã trình dự thảo báo cáo UBND TP về kế hoạch tổ chức công tác đấu giá cho các lô đất tại Khu đô Thị mới Thủ Thiêm. Sở đã và đang tiếp nhận ý kiến để kiện toàn phương án đấu giá trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.

Trong kế hoạch đấu giá năm 2024, TP.HCM dự định đấu giá 4 lô đất trong khu Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Ba lô dành cho dân cư đa chức năng, tập trung phát triển nhà ở, và một phần nhỏ diện tích thương mại dịch vụ. Lô còn lại thuộc Khu chức năng 7 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng.

Thời gian chuẩn bị hồ sơ từ tháng 5 đến tháng 10/2024 và đấu giá dự kiến từ tháng 7 đến tháng 11/2024. Tiếp theo vào tháng 9 và tháng 11/2025, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục bán đấu giá 7 lô. Đây là các lô đa chức năng, gồm nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại bán lẻ… Các lô đất tập trung ở Khu chức năng 1 và 3, vị trí chiến lược với kết nối tốt với Cầu Ba Son và tiện ích công cộng hiện hữu.

Đề xuất chuyển đổi gần 170ha đất rừng để làm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Theo nội dung đề xuất, diện tích rừng được đề nghị chủ trương chuyển đổi gần 170 ha, trong đó rừng tự nhiên 45,5 ha, rừng trồng gần 124 ha.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai một số vị trí, diện tích, hiện trạng rừng có sự thay đổi, phải điều chỉnh và phải thực hiện thẩm định lại từ đầu.

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế của chủ đầu tư các dự án thành phần đảm bảo điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện dự án.

Bài viết mới