Nóng trong tuần: Thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc?

Thị trường bất động sản đã thay đổi; Các đại gia bất động sản Việt Nam làm gì trong năm “bản lề”; Dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản nhà ở sẽ sôi động trong quý 2; Mời gọi đầu tư khu đô thị gần 9.300 tỉ đồng ở khu vực đang “rất nóng” ở Long An… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có những thay đổi nhất định. Đáng chú ý là niềm tin đối với thị trường đã có sự cải thiện, khi lượng giao dịch thành công đã có dấu hiệu tích cực.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản quý 1.2024 tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là đối với các loại hình nhà ở riêng lẻ và căn hộ trong khu vực nội thành của các đô thị lớn.

Đáng chú ý, các dự án đang mở nhận đặt chỗ (Booking) cũng ghi nhận số lượng đăng ký tương đối khả quan. Điều này cho thấy một sự quan tâm và sự chuẩn bị của người mua trước tình hình đang có chuyển biến tích cực hơn của thị trường.

Đối với tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường, ước tăng khoảng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, xét theo hiệu suất thực tế thì tỷ lệ hấp thụ trong 2 tháng kinh doanh của quý I/2024 (loại trừ thời gian nghỉ Tết) tương đương tỷ lệ hấp thụ của 3 tháng quý 4.2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An vừa thông báo mời gọi đầu tư cho Dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa với tổng vốn gần 9.300 tỉ đồng.

Theo đó, dự án này nằm trên khu đất diện tích 13,2ha tại xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Toàn bộ diện tích khu vực dự án hiện có chức năng sử dụng đất là đất sản xuất kinh doanh – công nghiệp. Hiện trạng công trình trên đất gồm khu đất đầu tư có các công trình nhà xưởng, hình khối đơn giản thuận tiện cho việc sản xuất, lưu trữ hàng hóa.

Dự án sẽ có quy mô dân số dự kiến hơn 10.100 người. Chủ đầu tư phải triển khai hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt. Sản phẩm chính của dự án này là chung cư thương mại. Tổng vốn đầu tư dự án này là 9.292 tỉ đồng, gồm chi phí thực hiện khoảng 8.818 tỉ đồng và chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 478 tỉ đồng.

Dự án sẽ có quy mô dân số dự kiến hơn 10.100 người. Chủ đầu tư phải triển khai hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt. Sản phẩm chính của dự án này là chung cư thương mại. Tổng vốn đầu tư dự án này là 9.292 tỉ đồng, gồm chi phí thực hiện khoảng 8.818 tỉ đồng và chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 478 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (chủ đầu tư), đến nay công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã đạt 99,3%, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công dự án.

Tuy vậy, dự án đang có một số vướng mắc, khó khăn về hạ tầng kỹ thuật. Nguyên nhân là do vướng hệ thống điện lưới trung thế, một số vị trí giao cắt với hệ thống điện của doanh nghiệp làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án tại các hạng mục hầm chui, cầu vượt ngang, cống qua đường.

Cụ thể, có 14 doanh nghiệp (12 ở thị xã Phú Mỹ, 2 ở TP. Bà Rịa) có hệ thống lưới điện trung thế nằm trong phạm vi dự án còn vướng mắc như: Công ty TNHH Hải Tín, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại Dũng, Công ty Quang Quân Vũng Tàu, Công ty TNHH Quỳnh Nhi, Công ty TNHH Khang Phú, Công ty TNHH Thành Nam…

Để đảm bảo tiến độ của dư án, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Hữu Thọ đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với thị xã Phú Mỹ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn tất giải phóng mặt bằng phần còn lại và giao cho nhà thầu thi công.

Dù còn nhiều khó khăn song trạng thái lạc quan thể hiện rõ trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2024 của các doanh nghiệp Bất động sản. Nhiều “ông lớn” đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao vượt trội trong năm 2024 – năm bản lề để thị trường có thể chuyển tiếp sang một giai đoạn phát triển mới lành mạnh và bền vững hơn.

Năm 2024 Novaland sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự án đang phát triển, nỗ lực thực hiện cam kết với khách hàng, nhà đầu tư và các đối tác. Theo đó, công ty đặt mục tiêu năm tới sẽ mang về 32.587 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) doanh thu; 1.079 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 585% và 122% so với cùng kỳ năm trước.

Khang Điền dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với 3.900 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 790 tỷ đồng. Mục tiêu này tăng lần lượt gần 87% và 10% so với mức thực hiện năm ngoái. Theo kế hoạch, Khang Điền sẽ hợp tác với Tập đoàn Keppel Land (Singapore) để triển khai dự án Emeria và dự án Clarita tại phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Hai dự án này dự kiến sẽ được đưa vào kinh doanh cuối năm 2024 khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Công ty CP Đầu tư Nam Long dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 6.657 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức con số thực hiện được trong năm ngoái là 3.181 tỷ đồng. Nếu đạt được, đây sẽ là mốc doanh thu kỷ lục từ trước đến nay của chủ đầu tư này, vượt gần 1.500 tỷ so với mức đỉnh ghi nhận hồi 2021.

Theo CBRE, 3 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ghi nhận nguồn cung hạn chế. Cụ thể, nguồn cung mới tại Hà Nội tổng cộng hơn 2.300 căn hộ chung cư và 30 căn nhà ở thấp tầng ghi nhận mở bán mới trong quý.

So với cùng kỳ năm ngoái lượng nguồn cung căn hộ bán mới tại Hà Nội trong quý 1 đã tăng 11%. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phục hồi về mức 3.000-4.000 căn mở bán trong quý đầu tiên của các năm 2021-2022.

Trong khi đó tại TP.HCM chỉ có khoảng 500 căn hộ chung cư được chào bán ra thị trường, phần lớn là giai đoạn tiếp theo của các dự án đã chào bán từ năm 2023. Trong đó chỉ có hơn 80 căn thuộc phân khúc cao cấp tại khu vực phía Nam thành phố.

Chiều ngày 10/4, Sở Giao thông Vận tải (TP.HCM) đã chủ trì cuộc họp trao đổi các nội dung về Đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Theo nội dung được đơn vị tư vấn đề xuất, quy hoạch tổng chiều dài đường sắt đô thị (metro) hiện tại của TP.HCM sẽ được điều chỉnh tăng từ 220km lên khoảng 511km bao gồm 10 tuyến với 384 nhà ga.

Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2045, Cụ thể, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án: Phương án 1 là đầu tư toàn mạng hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 511 km và 384 ga, đầu tư các tuyến xuyên tâm trước. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 50 tỉ USD.

Phương án 2 sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ chiều dài 6 tuyến từ tuyến 1 – tuyến 6 (5 tuyến xuyên tâm và 1 tuyến vành đai), chiều dài khoảng 303 km. Phương án này đòi hỏi nguồn vốn khoảng 25 tỉ USD.

Phương án 3 là đầu tư 6 tuyến rút gọn: làm hoàn thiện 3 tuyến 1 – 3 – 4 và đầu tư 1 phần các tuyến metro số 2, số 5, số 6, tổng chiều dài khoảng 180 km. Tổng mức vốn cần huy động là 20 tỉ USD. Đơn vị tư vấn đánh giá phương án này phù hợp với Quy hoạch 568 hiện nay, khả thi về nguồn lực của TP.HCM.

Bài viết mới