Tỉnh Gia Lai mong muốn được sớm đầu tư hai tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) – Pleiku (Gia Lai) dài 90km và cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160km. Cả hai tuyến cao tốc đều có quy mô 6 làn xe.
Gia Lai mong muốn sớm đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn (Ảnh minh họa)
UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn qua địa bàn tỉnh này.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét, triển khai đồng bộ Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, trong đó quan tâm đầu tư các đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai gồm: đoạn cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) – Pleiku (Gia Lai) dài 90km, quy mô 6 làn xe; đoạn cao tốc Pleiku (Gia Lai) – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe.
Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã có nội dung quy hoạch tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) – Pleiku (Gia Lai) dài 90km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) – Buôn Ma Thuột ( Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe) có tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Nếu được đầu tư trước năm 2030, hai tuyến cao tốc trên sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây và kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Đông thông qua tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku hiện cũng đang được nghiên cứu đầu tư.
Mới đây nhất, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo hoàn chỉnh và dự thảo văn bản lấy ý kiến tỉnh Bình Định về các nội dung nghiên cứu phương án đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Trước đó, tỉnh Gia Lai được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Bình Định thống nhất giao chủ trì rà soát kết quả nghiên cứu để đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, sau khi tính toán, tuyến đường này có quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền 24,75m, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục.
Để giảm tổng mức đầu tư, cơ quan này đề xuất không bố trí làn dừng khẩn cấp trên cầu và xác định lại điểm cuối tuyến tại TP Pleiku, ở điểm giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) để giảm chiều dài tuyến 8,1km. Phần này sẽ đưa vào dự án cao tốc Pleiku – Lệ Thanh giai đoạn sau 2030.
Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến sẽ giảm còn 143,2km, trong đó đoạn qua Bình Định dài 57,6km, qua Gia Lai 85,6km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 37.600 tỉ đồng, giảm 6.500 tỉ đồng so với mức đầu tư gần 44.200 tỉ đồng theo phương án trước.