Lợi nhuận nhiều công ty tài chính lao dốc

Lợi nhuận các công ty tài chính lớn trên thị trường giảm sâu, vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng trong năm 2023 do nợ xấu và khó đòi tăng.

Báo cáo gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) của nhóm công ty tài chính có dư nợ trái phiếu cho thấy kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi trong năm 2023. Lợi nhuận của nhiều đơn vị giảm 50-70% so với năm 2022, số khác báo lỗ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.

Năm ngoái, Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam – một công ty tài chính tiêu dùng có vốn Hàn Quốc – ghi nhận lỗ ròng 963 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 120 tỷ năm trước đó.

Một doanh nghiệp tài chính có vốn ngoại khác là Shinhan Finance – thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) – báo lỗ hơn 460 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi trên 300 tỷ. Khoản lỗ ròng làm giảm vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance từ 2.900 tỷ về còn hơn 2.400 tỷ đồng.

Mảng vay tiêu dùng khó khăn khiến khoản lợi nhuận nghìn tỷ tại nhiều đơn vị bị bào mòn. Như Home Credit Việt Nam – doanh nghiệp vừa về tay ngân hàng Thái Lan – vẫn ghi nhận lãi ròng hơn 375 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng giảm 70% so với một năm trước đó (1.100 tỷ). Vốn chủ sở hữu của công ty này đến cuối năm 2023 là hơn 6.750 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) cũng giảm lãi hơn 70% trong năm trước, với lợi nhuận ròng còn 240 tỷ đồng.

Ở nhóm dẫn đầu, FE Credit cũng ghi nhận mức lỗ trước thuế hơn 3.500 tỷ đồng vào năm ngoái, theo ước tính của Công ty chứng khoán MB (MBS). Mức lỗ của công ty tài chính này đậm nhất thị trường, nhưng đã giảm so với con số âm hơn 3.900 tỷ năm 2022. Sau 5 quý liên tục thua lỗ (từ quý II/2022), công ty này đã có những dấu hiệu hồi phục trong hai quý cuối năm trước.

Theo Fiingroup, mảng tài chính tiêu dùng kết thúc một năm kinh doanh – năm 2023, đầy thử thách. Dư nợ cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính tăng 11,3% so với 2022, bằng một nửa so với một năm trước đó. Trong đó, dư nợ tăng của phân khúc này chủ yếu đến từ các ngân hàng.

Ước tính năm 2023, quy mô dư nợ của các công ty tài chính giảm hơn 9% so với cùng kỳ. “Nhóm công ty tài chính đã bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu”, báo cáo của Fiingroup cho biết.

Khó mở rộng cho vay, cùng các điều kiện tín dụng bất lợi, gồm nhu cầu giảm, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và hoạt động cho vay bị thắt chặt… là những lý do khiến lợi nhuận các công ty tài chính bị ảnh hưởng mạnh.

Một chi tiết từ số liệu tài chính cho thấy sự thận trọng của nhóm này là chỉ tiêu an toàn vốn. Lợi nhuận thu hẹp, thậm chí thua lỗ nhưng tỷ lệ an toàn vốn của các công ty này vẫn tăng. So với mức quy định tối thiểu 9%, tỷ lệ an toàn vốn của các công ty tài chính hiện phổ biến khoảng 15-25%.

Chẳng hạn, Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam có tỷ lệ an toàn vốn tăng thêm 6,75% trong một năm, từ 15% lên 21,75% vào cuối năm ngoái. Tương tự, tỷ lệ này của Home Credit tăng từ 20,5% lên gần 25%.





Một trong nhiều hội nhóm tư vấn cách chây ì nợ của ứng dụng vay tiền. Ảnh: Quỳnh Trang

Một trong nhiều hội nhóm tư vấn cách chây ì nợ của ứng dụng vay tiền. Ảnh: Quỳnh Trang

Với cách tính bằng tỷ lệ vốn tự có trên tài sản có rủi ro, chỉ tiêu an toàn vốn tăng cho thấy các công ty tài chính đang hạn chế mở rộng tín dụng, cho vay. Vấn đề này xuất phát từ rủi ro ở phía khách hàng của nhóm công ty tài chính.

Covid-19 đẩy nhiều người thu nhập thấp – vốn là khách hàng chính của các công ty tài chính – gặp khó trong việc trả nợ. Điều này kéo theo nợ xấu của nhóm này tăng nhanh thời gian qua. Tỷ lệ nợ xấu của nhóm các công ty tài chính tính tới tháng 9/2023, theo Fiingroup, ở mức 11,35%.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất hiện nay, theo nhiều công ty tài chính, là làn sóng “bùng nợ” có chủ đích từ phía khách hàng. Nhiều khách hàng không trả nợ, họ vin vào lý do cơ quan chức năng gần đây triệt phá đường dây đòi nợ, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu cưỡng đoạt tài sản. Trong khi đó, theo các công ty tài chính, chế tài với khách hàng bùng nợ chưa cao, trong khi việc khởi kiện khó thực hiện với khoản nợ giá trị thấp.

Dù vậy, theo Fiingroup, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lâu dài, khi quy mô hiện chỉ trên 10% GDP, thấp hơn nhiều so với một số thị trường khác trong khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Với nền kinh tế đang phục hồi, năm 2024 có thể là cơ hội thúc đẩy đà tăng trưởng của nhóm công ty tài chính tiêu dùng, bởi thu nhập hộ gia đình được nâng cao, sức mua phục hồi”, nhóm phân tích của Fiingroup nhận xét.

Minh Sơn



Bài viết mới