Vì sao cổ phiếu của đại gia phố núi Gia Lai bị đưa vào diện kiểm soát?

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vào diện kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nất (2022-2023) của công ty là số âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, Tập đoàn Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 1.122 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán và chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp quá cao dẫn đến khoản lỗ ròng 578 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2022, DLG cũng đã lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên 5/4, cổ phiếu DLG giảm sàn về còn 2.120 đồng/cổ phiếu.

Tiền thân của Đức Long Gia Lai là một xí nghiệp gỗ thành lập từ năm 1995, chuyên về chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Xí nghiệp ban đầu tọa lạc trên lô đất 9.700 m2 và có một dây chuyền chế biến gỗ thủ công bán tự động.

Sau thời gian gần 30 năm hoạt động, đại gia phố núi này đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với các mảng từ truyền thống như gỗ, đá granite, khai khoáng, bến xe, khách sạn… đến các mảng mới như bất động sản, năng lượng, linh kiện điện tử, hạ tầng giao thông…

Công ty ghi nhận đỉnh cao kinh doanh trong giai đoạn 2015-2018 và bắt đầu sa sút trong một vài năm gần đây. Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, điển hình là các mức lỗ khủng 930 tỷ đồng năm 2020 hay lỗ gần 1.200 tỷ đồng trong năm ngoái.

Tập đoàn cũng chưa thanh toán cho hầu hết khoản vay đến hạn trả, bao gồm nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các tổ chức khác. Điều này dẫn tới sự tồn tại yếu tố trọng yếu không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Niêm yết trên sàn chứng khoán từ rất sớm (2010), Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai, sánh vai với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của doanh nghiệp từng lên gần 9.000 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này từng bị Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, sau đó, Tòa án tại Đà Nẵng đã hủy bỏ bản án sơ thẩm trước đó vì nhận thấy có tình tiết mới chứng minh Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh khoản, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.

Bài viết mới