Nhiều người muốn di cư đến TP HCM, Hà Nội

Trong hơn 19.500 người dân ở 63 tỉnh thành được khảo sát thì gần 22% trả lời muốn di cư đến TP HCM, 15% muốn đến Hà Nội, theo báo cáo PAPI 2023.

Ngày 2/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023).

Ở phần tình hình di cư, báo cáo cho thấy ngoài TP HCM và Hà Nội, top 10 tỉnh thành người dân muốn di cư đến nhất còn có Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định.

Trong số này có 3 địa phương thuộc Đông Nam Bộ (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai), khu vực kinh tế phát triển nhất cả nước, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tỷ lệ đô thị hóa 62,8%.

Lý do lớn nhất người dân muốn chuyển đến những địa phương trên là đoàn tụ gia đình với gần 41% người trả lời, tương tự kết quả khảo sát các năm 2020-2022; tiếp đó là có việc làm tốt hơn (22%), môi trường tự nhiên tốt hơn (17%).

Cần Thơ, Lâm Đồng, Đà Nẵng được lựa chọn là điểm đến còn vì phong cách sống thú vị hơn.

Lý do người dân muốn di cư đến các tỉnh, thành. Nguồn: PAPI 2023

Ở chiều ngược lại, tỉnh miền núi Lai Châu có nhiều người bày tỏ mong muốn rời đi nhất với hơn 3,5%, tiếp theo là Điện Biên 3%, Quảng Bình, Đồng Tháp. Đây đều là những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn. Như Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 hơn 47 triệu đồng, Quảng Bình, Đồng Tháp hơn 60 triệu đồng, cách xa mức 101 triệu đồng của cả nước.

Là thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm công nghiệp, cảng biển của vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có ít người mong muốn di cư đến, tỷ lệ chỉ 0,68%. Sáu tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Yên Bái và Phú Yên không người nào tham gia khảo sát mong muốn di cư.

Tỷ lệ người muốn di sang địa phương khác. Nguồn: PAPI 2023

Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Paul Schuler, Đại học Arizona, Mỹ cho rằng mong muốn chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm tỷ lệ thuận với việc tăng số người cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình kém hoặc rất kém trong năm 2023 so với khảo sát từ năm 2017 đến 2022.

“Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người dân đánh giá tiêu cực hơn về tình hình kinh tế hộ gia đình của họ so với 5 năm trước tăng lên đến 26%, chỉ đứng sau năm 2021 (năm đỉnh điểm Covid – 29%)”, ông Paul Schuler nói.

Sài Gòn sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn. Ảnh: Đình Văn

PAPI 2023 cũng chỉ ra đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế nhận được mức độ quan tâm cao hơn so với nhiều vấn đề quản trị, kinh tế – xã hội khác. Số người lạc quan về điều kiện kinh tế hộ gia đình ngày một giảm, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số và nhóm dân cư có mức thu nhập hộ gia đình thấp. Ngay cả nhóm người có mức thu nhập cao hơn cũng bi quan hơn so với trước đây.

2023 là năm thứ 15 bộ chỉ số PAPI được tổng hợp, dựa trên kết quả khảo sát hơn 19.500 người dân ở 416 xã, phường thuộc 208 quận, huyện của 63 tỉnh thành. Có 120 tiêu chí đo lường với hơn 500 câu hỏi được gửi đến người dân qua phỏng vấn trực tiếp một đối một và phỏng vấn bằng máy tính bảng.

Bài viết mới