“Ông trùm” xi măng phía Nam lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 ra sao?

Nhờ hưởng lợi từ việc thi công các dự án đầu tư công, thị trường bất động sản ấm lại vào nửa sau năm nay là động lực giúp Xi măng Hà tiên tăng sản lượng và giảm áp lực về giá bán.

CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã:HT1) vừa công bố một số nội dung dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 24/4 tới đây.

Theo đó, Xi măng Hà Tiên đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác trong năm nay ở mức 8.987 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 276 tỷ đồng, tăng lần lượt 0,7% và 7% so với mức nền thấp của năm 2022.

Ngoài ra, Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,6 triệu tấn clinker và 6,5 triệu tấn xi măng. Với mức sản xuất trên, Xi măng Hà Tiên đặt mục tiêu tiêu thụ được 530.000 tấn clinker và khoảng 6,74 triệu tấn xi măng, lần lượt tăng 8% và 1% so với năm trước.

Về cổ tức, HĐQT Xi măng Hà Tiên đề xuất chia cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 4% bằng tiền mặt (400 đồng/cp). Theo đó, tổng số tiền mà doanh nghiệp này cần chi ra khoảng 153 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch cổ tức năm 2023 chưa được đề cập đến trong tài liệu họp.

Được biết năm 2022, Xi măng Hà tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.918 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng giá vốn bán hàng khiến lợi nhuận kém khả quan mặc dù sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ nền thấp của 2021.

Kết quả, lãi sau thuế doanh nghiệp này chỉ đạt 262 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2021. Đây cũng là mức ghi nhận thấp nhất của Xi măng Hà Tiên kể từ năm 2013.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Xi măng Hà Tiên ở mức 9.385 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tương đương tăng gấp 2,3 lần lên 675 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 56% lên 1.044 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả tăng 600 tỷ đồng lên mức 4.268 tỷ trong đó vay nợ tài chính tăng lên 1.845 tỷ đồng.

Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023, Xi măng Hà tiên nhận định tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mặc khác, nguồn cung xi măng trong năm nay tiếp tục mất cân đối, cung vượt cao so với cầu. Cụ thể, trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 – 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Đối với thị trường xuất khẩu, thị trường này dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng); giá cước vận chuyển cao.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 5/4, cổ phiếu HT1 đang ở mức 15.300 đồng/cổ phiếu, tăng 33% so với thời điểm đầu năm.

Bài viết mới