Lỗ của Nam Kim “đội” lên 125 tỷ đồng sau kiểm toán, nguyên nhân do đâu?

So với số liệu trước kiểm toán là lỗ 66,7 tỷ đồng, mức lỗ của Nam Kim đã tăng gần gấp đôi, lên mức 125 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến dự phòng hàng tồn kho tại công ty con.

CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán với phần lợi nhuận chênh lệch lớn so với báo cáo tự lập.

Thép Nam Kim lỗ gần gấp đôi sau kiểm toán

Năm 2022, Nam Kim ghi nhận đạt 23.071 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với năm 2021. Doanh thu giảm chủ yếu đến từ mảng xuất khẩu, giảm sâu từ 19.200 tỷ xuống gần 13.600 tỷ còn doanh thu nội địa tăng thêm 500 tỷ đồng lên gần 9.500 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, Nam Kim báo lợi nhuận sau thuế âm gần 125 tỷ đồng trong năm ngoái. So với số liệu trước kiểm toán là lỗ 66,7 tỷ đồng, mức lỗ của Nam Kim đã tăng gần gấp đôi. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này nếm mùi thua lỗ trong 10 năm trở lại đây. Trước đó, lần lỗ gần đây nhất của Nam Kim vào năm 2012 với hơn 105 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo lý giải rằng biến động trên do giá vốn tăng, Nam Kim phải trích lập dự phòng thêm hàng tồn kho và không thể loại trừ được khoản lỗ chưa thực hiện tại công ty con Ống Thép Nam Kim.

Đến cuối năm 2022, hàng tồn kho của Nam Kim ghi nhận hơn 7.300 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tồn kho thành phẩm với hơn 3.400 tỷ đồng. Lượng tồn kho giảm so với cuối năm 2021 nhưng doanh nghiệp phải trích dự phòng gần 340 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không trích lập khoản này.

Nam Kim hiện đang là nhà sản xuất thép và tôn mạ đứng thứ ba toàn thị trường về tiêu thụ, chỉ sau Hòa Phát và Hoa Sen.

Ngày 21/4 tới đây, Nam Kim sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tại TP.HCM. Công ty hiện vẫn chưa công bố các tài liệu liên quan đến phiên họp này.

Theo thông tin từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Nam Kim (Mã: NKG) đã tạm dừng triển khai dự án nhà máy Nam Kim Phú Mỹ trong năm 2023 do những lo ngại liên quan tới sản lượng tiêu thụ thấp. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai trở lại trong năm 2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng sau đó 2 năm.

KBSV cho rằng, quyết định này của phía Nam Kim là phù hợp với bối cảnh hiện tại của ngành thép nói chung và tình hình tài chính của doanh nghiệp này nói riêng.

Đối với dự án Nam Kim Phú Mỹ, trong kịch bản cơ sở, KBSV ước tính dự án sẽ được triển khai với tỷ lệ vốn chủ – nợ vay là 50 – 50. Cụ thể, Nam Kim đã chủ động tăng vốn thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:20 trong năm 2022, qua đó bổ sung thêm 449 tỷ đồng vào vốn góp, cùng với đó là khoản lãi 1.686 tỷ đồng chưa phân phối của năm trước.

Bài viết mới