Nhìn giới trẻ bây giờ chỉ 23, thậm chí 20 tuổi đã tự mình mua được căn nhà riêng. Còn tôi, 30 tuổi mới thực sự trưởng thành.
Hiện tại tôi đã bước sang tuổi 40, đã có nhà cửa, xe cộ và một gia đình viên mãn. Nhưng khi nghĩ về những điều mình trải qua, sống mũi tôi vẫn cay cay.
Bài học nhớ đời
Năm 2012, tôi nghỉ công việc làm báo chí. Một công việc tôi mơ ước từ khi còn học tiểu học và bắt đầu hợp tác kinh doanh với một người bạn. Kết quả là thất bại cay đắng.
“Bà mở quán cà phê chung với tôi đi”, “Em mở khu vui chơi trẻ em đi, xu hướng bây giờ đó”, “Quay lại trang mình làm đi bà, sếp vẫn đợi bà đó”… và nhiều lời chào mời khác. Nhưng tôi quyết định sẽ không quay lại với công việc cũ, càng không thể kinh doanh lĩnh vực phải đầu tư rất nhiều vốn.
Dù chưa biết bản thân sẽ làm gì, nhưng mỗi ngày tôi đều ra khỏi nhà và trở về đúng giờ đi làm vì không chịu nổi cảm giác thất nghiệp. Suốt một tháng ròng rã như thế, bạn bè nói tôi điên. Bố mẹ ngày gọi điện cho tôi cả chục lần để hỏi han. Còn tôi vẫn là một kẻ mất phương hướng.
Cuối cùng tôi chợt nhận ra điều mình cần làm là nhìn lại bản thân mình. Tôi đã từng đam mê với len sợi như thế nào. Từng quên ăn, quên ngủ để móc cho xong chiếc khăn quàng cổ tặng mẹ. Hiện chiếc khăn đó mẹ tôi vẫn dùng và không hề lỗi mốt. Bố tôi cũng luôn mặc chiếc áo len ghi-lê mà ông vẫn hay chê “quê mùa” khi thời tiết bắt đầu se lạnh.
Những chiếc túi xách được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết – Ảnh Phạm Hồng Xiêm.
Xác định được con đường sẽ đi, tôi thấy vô cùng phấn chấn. Tôi tìm nguồn nguyên liệu, học thêm lớp móc những sản phẩm cao cấp hơn như giày dép, túi xách và “luyện tay” mỗi ngày. Nghĩ là đơn giản, nhưng mất khoảng ba tháng tự học trên YouTube, vô số sản phẩm đã hỏng và số tiền tích lũy của tôi bắt đầu vơi dần vì tiêu hết vào nguyên liệu, công cụ. Cuối cùng tôi cũng có đơn hàng đầu tiên.
Họ yêu cầu tôi làm 500 chiếc móc khóa hình logo của công ty để tặng cho khách hàng của họ. Giá cho mỗi chiếc là 40.000 đồng và phải hoàn thành trong một tuần. Tôi biết sẽ quá sức nhưng vẫn liều nhận đơn hàng này. Điều đáng tiếc cũng đã xảy ra.
Tôi đã ước lượng số len và nguyên liệu đủ cho 500 chiếc, nhưng khi hoàn thành được 300 chiếc thì hết len. Tôi đi tìm khắp các cửa hàng để chọn đúng loại len và màu sắc cho đồng bộ nhưng đều không có. Tôi hẹn lại khách hàng thời gian bàn giao để tìm thêm các cửa hàng khác. Họ từ chối vì những sản phẩm này sẽ tặng cho khách hàng trong một sự kiện, nên yêu cầu tôi làm mẫu khác. Dù đơn hàng đã hoàn thành, nhưng tôi lại không có được niềm tin của khách hàng đầu tiên.
Tôi có thêm nguồn tiền để trang trải và một bài học “vỡ lòng”. Tôi nghĩ vị khách hàng đó sẽ không tìm đến tôi nữa, nhưng sau một tháng họ tiếp tục quay lại đặt tôi làm thêm móc khóa và 20 chiếc túi xách tặng nhân viên. Điểm nhấn của những chiếc túi xách này là tên của từng người. Giá mỗi một chiếc túi là 1,2 triệu đồng.
Cứ thế dần dần tay nghề của tôi thêm nhiều tiến bộ, tôi bắt đầu được nhiều người biết đến hơn.
Mỗi sản phẩm đều mang một dấu ấn riêng – Ảnh Phạm Hồng Xiêm.
Thành lập công ty riêng và sở hữu xưởng sản xuất 1.000m2
Tôi thành lập công ty riêng vào năm 2015, ban đầu chỉ lẻ tẻ một hai người, dần dần con số nhân viên đã lên hàng chục người. Họ đều đến với tôi bằng sự đam mê nên cho dù những lúc phải ở lại xưởng cho tới khuya, thậm chí phải mang sản phẩm về nhà làm tiếp cho kịp tiến độ thì sau 8 năm những gương mặt thân thuộc ấy vẫn ở bên tôi.
Ban đầu, chúng tôi chỉ thuê một mặt bằng nhỏ cho ba bốn người làm việc, còn hầu hết họ đều làm việc tại nhà. Khoảng sau 2 năm, tôi quyết định dồn hết tiền kiếm được mua một mảnh đất rộng 1.000m2 tại vùng ngoại ô Hà Nội.
Tôi dành 100m2 xây nhà, 500m2 làm xưởng sản xuất và 400m2 còn lại làm vườn, nuôi cá, trồng hoa để mọi người lấy lại năng lượng và kích thích sáng tạo để làm ra những sản phẩm tốt hơn.
Nhìn lại hành trình của mình tôi chỉ biết nói rằng, dù trưởng thành hơi muộn nhưng nếu tìm ra được con đường đúng thì cuối cùng cũng đến đích.
Dù được móc bằng len, nhưng nhìn như một chiếc túi hàng hiệu – Ảnh Phạm Hồng Xiêm.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng sẽ là quá trễ nếu bạn bắt đầu loay hoay tìm cho mình những ý tưởng để khởi nghiệp tuổi 30. Tôi lại nghĩ khác. Nếu như ở tuổi 20, bạn có ưu điểm là một tinh thần mạnh mẽ, đầy lạc quan và một ý chí sáng tạo mạnh mẽ, thì ở tuổi 30 bạn lại có được sự điềm tĩnh, bản lĩnh, tầm nhìn và kinh nghiệm để giải quyết công việc.
Đây là độ tuổi đủ trưởng thành để tự mình đưa ra quyết định, tự mình làm chủ với chính công việc mình yêu thích. Bạn nên dành nhiều thời gian để thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực tầm tuổi 20 thì khi bước vào độ tuổi 30 bạn có dày dặn kinh nghiệm, kiến thức bổ ích xử lý tình huống. Vì vậy, nếu đang ở độ tuổi này và muốn khởi nghiệp làm giàu thì đừng lo ngại nhé!