Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) dự kiến bán đấu giá 140,5 triệu cổ phần Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) (tương đương 8,1% vốn điều lệ) vào ngày 21/4/2023.
Ảnh minh hoạ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo thông tư quy định khi VNPost giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, các phòng giao dịch (PGD) bưu điện của LPB sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó
Các PGD bưu điện sẽ đóng cửa sau khi các khoản tiền gửi được chi trả.
Dựa trên dữ liệu năm 2021, LPB vận hành 613 PGD bưu điện, một con số đáng kể, bên cạnh 76 chi nhánh và 480 PGD thông thường.
Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect, các PGD bưu điện từ lâu đã được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của LPB. “Chúng tôi không rõ hiện có bao nhiêu tiền gửi nằm ở các PGD bưu điện này để đánh giá toàn bộ tác động nhưng chúng tôi kỳ vọng ban lãnh đạo sẽ chia sẻ rõ hơn tại kỳ họp ĐHCĐ sắp tới”, VnDirect cho biết.
Trong 2022, LPB đạt mức tăng trưởng tín dụng 12,8% svck, kém hơn tăng trưởng hệ thống là 14,5%. Ngược lại về mặt huy động vốn, tiền gửi khách hàng tăng 19,3% so với cùng kỳ (svck), tốt hơn phần lớn các ngân hàng khác. LPB ghi nhận huy động tăng trưởng tốt từ cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, lần lượt ở mức 21,1% và 17,4% svck. Vào cuối quý 4/2022, tiền gửi cá nhân chiếm 65% tổng tiền gửi của LPB, cao hơn mức 50% của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, ngân hàng có thể mất lợi thế PGD bưu điện sau khi VNPost thoái vốn trong thời gian tới, theo VnDirect. Tỷ lệ CASA giảm 1,2 điểm % svck xuống 8,8% vào cuối quý 4/2022 nhưng được cải thiện đáng kể thêm 2,5 điểm % so với quý trước.
Trong 2023-2024, VnDirect ước tính LPB sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 12,0%/năm, hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền gửi khách hàng ở mức 10,9%/năm.