Sáng nay tại một phiên tòa ở Bắc Kinh, thẩm phán đã tuyên án tù chung thân cho ông chủ của tập đoàn đứng sau đường dây cho vay tiền ngang hàng (P2P) qua mạng lớn nhất Trung Quốc.
Ngoài ra, Ding Ning – chủ tịch của Yucheng Group cũng phải nộp phạt 100 triệu NDT (15 triệu USD) vì tội gian lận gây quỹ, buôn bán kim loại quý và sở hữu súng bất hợp pháp.
Yucheng là tập đoàn kiểm soát nền tảng Ezubo. Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết tổ chức này đã thu được hơn 7,6 tỷ USD từ hơn 900.000 nhà đầu tư chỉ trong vòng 18 tháng trước khi bị công an kinh tế Trung Quốc sờ gáy.
Một nhà lãnh đạo khác của Yucheng cũng bị kết án tù chung thân. 24 đồng phạm bị tuyên án từ 3-15 năm tù giam.
Ding Ning năm nay 34 tuổi là bộ não của Ezubo. Không có một chút kinh nghiệm gì về tài chính – ngân hàng, chỉ từng phụ giúp gia đình bán hàng điện máy nhưng bằng cách cam kết mức lãi suất cao, thậm chí không yêu cầu vốn góp tối thiểu, người này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào mạng lưới Ezubo.
Theo Tân Hoa Xã, Ding rất tích cực tổ chức các buổi gặp mặt cổ đông, diễn thuyết để tạo danh tiếng và kích động nhà đầu tư. Tất cả các nhân viên làm việc cho Ding đều phải mang đồ hiệu và đeo trang sức đắt tiền. Ding còn cho một phụ nữ trẻ đẹp làm giám đốc điều hành, mua cho cô này một căn hộ tại Singapore trị giá gần 19,5 triệu USD và không ngần ngại chi ra 22 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo trên các kênh truyền hình Trung Quốc.
Tháng 12/2015, sau khi phát hiện ra nhiều dấu hiệu khả nghi, giới chức đã mở ra cuộc điều tra về mạng lưới cho vay đa cấp Ezubo. Đến đầu năm 2016, lần đầu tiên Ding đã thú nhận trên sóng truyền hình quốc gia về hành vi lừa dối của mình.
Gần 95% dự án đăng tải trên trang web của Ezubo không tồn tại và tổ chức này đã dùng mô hình Ponzi để thanh toán cho nhà đầu tư tức là dùng tiền gửi của người mới để trả cho người cũ.
Hình thức cho vay ngang hàng đã bắt đầu phát triển ở Trung Quốc từ năm 2011 khi giới chức khuyến khích người dân sử dụng công nghệ để mở rộng dịch vụ tài chính. Đây là một hình thức kết nối trực tiếp giữa người thừa tiền và người cần tiền mà không cần phải thông qua ngân hàng. Tuy nhiên đến năm ngoái, hoạt động này đã bị bóp méo một cách tiêu cực, làm nảy sinh ra nhiều trường hợp vi phạm ở Trung Quốc, trong đó nền tảng Ezubo là mô hình lừa đảo có quy mô lớn nhất.