Nỗ lực “giải cứu” thị trường bất động sản của chính phủ Trung Quốc dần đạt được kết quả

Lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến mới trong quá trình thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài khi dữ liệu chính thức được công bố ngày 15/3 cho thấy mức sụt giảm doanh số bán nhà, đầu tư của các nhà phát triển và xây dựng trong hai tháng đầu năm đã được thu hẹp.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), doanh số bán nhà theo diện tích sàn đã giảm 3,6% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, con số này đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 24% trong cả năm 2022.

Những diễn biến tích cực diễn ra khi giá nhà mới đã tăng trong tháng 1, mức tăng đầu tiên trong một năm, do người mua, dù vẫn còn thận trọng, nhưng đã tìm thấy niềm tin trong một loạt chính sách hỗ trợ. Người mua cũng kỳ vọng nhiều hơn vào việc Trung Quốc có thể phục hồi hoàn toàn khi chính sách Zero-Covid được nới lỏng.

Khối lượng đầu tư bất động sản của các nhà phát triển hàng đầu đất nước trong hai tháng đầu năm đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này cũng được cải thiện khi so sánh với mức giảm 12% trong tháng 12/2022 và mức giảm trung bình 10% trong cả năm 2022.

Các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán bất động sản sẽ là chỉ số đầu tiên sớm chuyển biến tích cực và chứng kiến hoạt động đầu tư bất động sản phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Yan Yuejin, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house ở Thượng Hải, cho biết: “Các số liệu này là khởi đầu tốt cho sự phục hồi của thị trường bất động sản vào năm 2023 và sẽ tiếp tục củng cố niềm tin từ các bên.

Số liệu về doanh số bán bất động sản dự kiến sẽ chuyển từ tiêu cực sang tích cực trong quý đầu tiên của năm, dấu hiệu lớn nhất cho thấy thị trường bất động sản đang phục hồi”.

Tâm lý dành cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Á trong nhiều năm, đã bị nhiều cuộc khủng hoảng đè nén kể từ giữa năm 2021, bao gồm cả việc các nhà phát triển bất động sản hàng đầu đất nước vỡ nợ và việc xây dựng các dự án nhà ở hình thành trong tương lại bị đình trệ.

Nhà phân tích Ma Hong tại Viện nghiên cứu đầu tư Zhixin cho biết, việc nới lỏng chính sách Zero-Covid và giải ngân cho các nhà phát triển bất động sản để họ có đủ nguồn vốn đảm bảo cung cấp các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đúng tiến độ sẽ thúc đẩy nhu cầu từ người mua.

“Khối lượng đầu tư của các nhà phát triển, một chỉ báo chính về hoạt động của thị trường, có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Điều này không chỉ có nghĩa là sự phục hồi tổng thể mà còn là sự cải thiện đáng kể trong điều kiện hoạt động của các công ty bất động sản”, ông Ma nói.

Số lần khởi công xây dựng dự án mới được tính theo diện tích sàn đã ghi nhận mức giảm 9,4% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 44% trong tháng 12/2022 và mức giảm trung bình 39% trong cả năm 2022.

Khả năng tiếp cận nguồn vốn của các nhà phát triển cũng đã được cải thiện. Vốn do các nhà phát triển huy động đã ghi nhận mức giảm 15% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng đã giảm đáng kể so với mức giảm 26% trong hai tháng đầu năm 2022 so với hai tháng đầu năm 2021.

Khoảng một nửa trong số hơn 30 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang được niêm yết tại Hong Kong đã không thanh toán được hoặc buộc phải trì hoãn thanh toán trái phiếu trong suốt năm qua.

Khi bắt đầu cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc trong tháng này, chính phủ nước này đã coi việc bảo vệ chống lại rủi ro đối với các nhà phát triển bất động sản hàng đầu là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ trong năm nay, nhưng nói thêm rằng điều này sẽ ngăn chặn sự mở rộng “không đồng đều” của các nhà phát triển.

Bài viết mới