Thế giới di động vs PNJ: Cuộc đua kỳ thú về thị giá giữa 2 cổ phiếu bán lẻ “hot” nhất trên sàn chứng khoán

Với thị trường hơn 90 triệu người, tốc độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Có thể kể tới trường hợp Thế giới di động (MWG), từ những cửa hàng điện thoại nhỏ bé cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp này đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc.

Trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu về mảng điện thoại có phần bão hòa, TGDĐ đã mở rộng sang phân phối điện máy với chuỗi Điện máy xanh (từ năm 2011) hay cửa hàng tiện lợi với Bách hóa xanh (từ năm 2016).

Tính tới cuối tháng 7/2017, TGDĐ đã có 1.609 cửa hàng, bao gồm 1.034 cửa hàng Thế giới di động, 437 cửa hàng Điện máy xanh và 138 của hàng Bách hóa xanh. Không những vậy, TGDĐ thậm chí còn tiến ra khỏi biên giới Việt Nam khi mở cửa hàng tại Campuchia với tên gọi Bigphone.

Hiện tại, TGDĐ là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại. Còn với mảng điện máy, dù còn là tên tuổi khá mới nhưng chuỗi Điện máy xanh của TGDĐ đã phả hơi nóng vào các thương hiệu lâu đời như Nguyễn Kim, Pico, MediaMart…

Một doanh nghiệp khác cũng gây chú ý trong ngành bán lẻ là PNJ với chuỗi cửa hàng trang sức được phủ sóng rộng khắp Việt Nam. Với 245 cửa hàng đang hoạt động tính tới cuối tháng 7/2017, PNJ hiện đang chiếm khoảng 5,3% thị phần trang sức toàn quốc và là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành.

Cần lưu ý, thị trường ngành trang sức có phần phân mảnh hơn những lĩnh vực bán lẻ khác như điện máy. Do đó, thị phần của PNJ đạt được dù chỉ 5,3% là khá cao, bỏ xa các tên tuổi khác như Doji, Bảo tín Minh Châu…Hiện tại, PNJ vẫn tiếp tục đẩy mạnh mở rộng chuỗi cửa hàng trang sức và theo kế hoạch, số lượng cửa hàng sẽ tăng lên con số 300 vào năm 2018.

Hiệu quả hoạt động chuỗi bán lẻ ra sao?

Với chuỗi cửa hàng được mở ồ ạt khắp cả nước, doanh thu của TGDĐ và PNJ đạt được là rất ấn tượng. Trong năm 2016, TGDĐ đạt doanh thu lên tới 44.613 tỷ đồng (2 tỷ USD), tăng gần 80% so với năm trước đó.

Mức doanh thu 2 tỷ USD cũng đủ giúp TGDĐ vượt qua Co.op Mart trở thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam. So với mốc năm 2010 thì doanh thu TGDĐ đã tăng tới 16 lần, cho thấy mức độ tăng trưởng thần tốc của doanh nghiệp này.

6 tháng đầu năm 2017, TGDĐ tiếp tục tăng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên tới 60%, đạt 31.240 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý mặc dù doanh thu chuỗi Thế giới di động đã có dấu hiệu chững lại (tăng 25% so với cùng kỳ) nhưng chuỗi Điện máy xanh lại có mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 140%.

Còn với PNJ, doanh thu trong năm 2016 của doanh nghiệp này đạt 8.565 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước đó. Nhìn lại quá khứ, đặc biệt giai đoạn đỉnh cao năm 2011 thì doanh thu PNJ đạt được trong năm qua đã giảm tới một nửa.

Việc liên tục mở rộng chuỗi nhưng doanh thu lại sụt giảm mạnh nghe qua thì rõ ràng doanh nghiệp đang “có vấn đề”. Tuy nhiên, điều này có nguyên nhân bởi trong những năm gần đây, PNJ đã giảm mạnh tỷ trọng kinh doanh vàng miếng để tập trung vào nữ trang, mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều.

Trước kia, vàng miếng thường chiếm trên 50% doanh thu PNJ thì đến năm 2016, mảng này chỉ còn chiếm khoảng 29%. Theo thống kê, mảng kinh doanh vàng miếng thường chỉ đem lại biên lãi gộp khoảng 1%, trong khi trang sức cao cấp thường đạt trên 20%. Do đó, việc sụt giảm doanh thu của PNJ không phải vấn đề do chuỗi cửa hàng, mà đến từ việc thay đổi cơ cấu sản phẩm mang tới lợi nhuận tốt hơn.

Biên lãi gộp PNJ, MWG cải thiện mạnh nhờ quy mô cũng như cơ cấu sản phẩm

Biên lãi gộp PNJ, MWG cải thiện mạnh nhờ quy mô cũng như cơ cấu sản phẩm

Với quy mô lớn cũng như cơ cấu sản phẩm phù hợp, cả TGDĐ lẫn PNJ đều có biên lãi gộp ấn tượng, không những bỏ xa các đối thủ cùng ngành mà còn cải thiện đều qua các năm.

Nếu như năm 2009, thời điểm quy mô còn nhỏ cũng như chỉ tập trung vào bán điện thoại, biên lãi gộp của TGDĐ chỉ đạt 11,7% thì trong 6 tháng đầu năm đã lên tới gần 17%. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành phân phối điện máy, điện thoại thường chỉ đạt biên lợi nhuận khoảng 10%.

Còn với PNJ, việc thay đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung vào phân khúc trang sức, giảm vàng miếng đã giúp biên lãi gộp công ty cải thiện mạnh. Trong giai đoạn 2009 – 2011, mặc dù doanh thu đạt được rất lớn nhờ bán vàng miếng nhưng biên lãi gộp PNJ thường chỉ dưới 5% thì đến nay, biên lãi gộp công ty đã lên trên 17%.

Không chỉ có lợi thế về quy mô, các chuỗi bán lẻ như TGDĐ hay PNJ cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online. Trong năm 2016, doanh thu online của TGDĐ lên tới 3.372 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng doanh thu công ty. Trong 7 tháng đầu năm, kênh online tiếp tục ghi nhận 2.990 tỷ đồng doanh thu, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.

PNJ cũng khá nhạy bén với kênh bán hàng online, nhưng có lẽ kênh bán hàng này không phù hợp với sản phẩm đặc thù như trang sức. Do đó, doanh thu online trong những năm qua của PNJ chưa khi nào quá 20 tỷ đồng.

Hấp dẫn nhà đầu tư, cổ phiếu liên tiếp phá đỉnh

Ngành bán lẻ tại Việt Nam thực sự là mảnh đất kinh doanh màu mỡ và do đó, không bất ngờ khi các doanh nghiệp đầu ngành như TGDĐ hay PNJ đều nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ đầu tư.

Hiện tại, cả TGDĐ và PNJ đều kín room ngoại 49% và có sự hiện diện của các quỹ lớn nhất tại Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital, Pyn Elite Fund…

Trên TTCK, cổ phiếu MWG và PNJ hiện đều đang ở mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Tính tới hết phiên giao dịch 12/9/2017, thị giá MWG đạt 112.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 34.455 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Thị giá PNJ cũng khá “tương đồng” với 109.600 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 11.848 tỷ đồng (0,5 tỷ USD).

Biến động giá cổ phiếu trong 3 năm gần đây

Biến động giá cổ phiếu trong 3 năm gần đây

Bài viết mới