Đằng sau sự sụp đổ của 4 nhà băng trong 11 ngày

4 ngân hàng lớn đã sụp đổ trong vỏn vẹn 11 ngày. Và các vụ phá sản này đều có chung một kịch bản.

Theo Bloomberg, giới đầu tư chao đảo vì 4 ngân hàng nối đuôi nhau sụp đổ. Các sự cố xảy ra chỉ trong vỏn vẹn 11 ngày.

Đầu tiên là Silvergate Capital của Mỹ do dấn thân quá sâu vào ngành công nghiệp tiền mã hóa. Với sự cho phép của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã cố gắng can thiệp nhằm ngăn chặn một vụ đóng cửa.

Silvergate Bank

Nhưng Silvergate không thể bám trụ trong bối cảnh bị các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ và cuộc điều tra hình sự về những giao dịch với gã khổng lồ tiền mã hóa FTX và Alameda Research của Sam Bankman-Fried.

Vấn đề của Silvergate ngày càng phình to khi nhà băng này phải bán các khoản đầu tư thua lỗ để trả cho khách hàng, vốn đang gấp rút rút tiền khỏi ngân hàng.

Ngày 8/3, Silvergate công bố dừng hoạt động và thanh lý toàn bộ tài sản.

Silicon Valley Bank (SVB)

Cùng ngày Silvergate sụp đổ, SVB Financial Group bắt đầu chào bán cổ phiếu, bán gần như toàn bộ chứng khoán có trong danh mục đầu tư và cập nhật dự báo năm.

Lúc này, SVB cũng đang đối mặt với bài toán nan giải. Để hỗ trợ bảng cân đối kế toán, ngân hàng phải bán phần lớn các khoản đầu tư trái phiếu thua lỗ để tăng thanh khoản.

Động thái này sẽ khiến khách hàng lo ngại, nhưng việc nằm im chờ bị hạ cấp cũng không mang lại kết quả khả quan hơn. Cùng ngày, Moody’s đã hạ cấp tín nhiệm ngân hàng này.

Ngày 9/3, cổ phiếu nhóm ngân hàng trải qua ngày tệ hại nhất trong gần 3 năm. Giá cổ phiếu của SVB rớt 60%. Gần 10 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị thổi bay.

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Giữa buổi sáng, SVB bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngày 20/3, FDIC kéo dài thời gian đấu thầu SVB sau khi nhận được “sự quan tâm lớn” của các người mua tiềm năng. Theo nguồn tin của Bloomberg, First Citizens BancShares đang hy vọng đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ SVB.

Signature Bank

Ngày 12/3, Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ 3 phá sản tại Mỹ. Các khách hàng ồ ạt rút tới 20% tổng tiền gửi tại nhà băng này.

Vụ sụp đổ của Silvergate cách đó 4 ngày khiến các khách hàng lo ngại, dù mức độ tiếp xúc với tiền mã hóa của Signature Bank thấp hơn nhiều.

Các cơ quan quản lý liên bang cho biết “đã mất niềm tin” vào ban lãnh đạo ngân hàng.

Đến ngày 19/3, các khoản vay và tiền gửi của Signature Bank đã được Flagstar Bank của New York Community Bancorp tiếp quản.

Công ty này đồng ý mua 38 tỷ USD tài sản, bao gồm 25 tỷ USD tiền mặt và 13 tỷ USD dư nợ, từ FDIC. Flagstar Bank cũng tiếp quản khoản nợ 36 tỷ USD, trong đó có 34 tỷ USD tiền gửi.

Các chi nhánh của Signature đều sẽ chuyển thành chi nhánh của Flagstar.

Credit Suisse Group

Ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ vừa vào tay UBS – nhà băng hàng đầu nước này – sau một thương vụ hơn 3 tỷ USD nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Nếu thương vụ thất bại, Credit Suisse sẽ được quốc hữu hóa một phần hoặc toàn phần.

Vụ mua lại chấm dứt 167 năm hoạt động của Credit Suisse, bất chấp những nỗ lực của Giám đốc điều hành Ulrich Koerner. Nhưng mọi nỗ lực là không đủ bởi danh tiếng của nhà băng này đã bị hủy hoại vì những bê bối và khoản lỗ hàng tỷ USD.

Ngày 9/3, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã truy vấn báo cáo thường niên của Credit Suisse, buộc nhà băng này phải hoãn công bố.

Sự hoảng loạn lan rộng sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – từ chối việc đầu tư thêm vào ngân hàng.

Credit Suisse được UBS mua lại với giá hơn 3 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.

SNB đã gánh lỗ hơn 1 tỷ USD chỉ trong vài tháng. Trong khi đó, các trái chủ AT1 (trái phiếu cấp 1 bổ sung) của Credit Suisse cũng mất trắng 17 tỷ USD sau thương vụ. Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết hàng tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse sẽ vô giá trị và chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các nhà đầu tư tư nhân.

Thương vụ mua lại giữa UBS và Credit Suisse được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.

3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ – Ông Trump cảnh báo Đại suy thoái trong ngành Tài chính Mỹ

Bài viết mới