Thất thoát lãng phí ngàn tỷ: Tăng thuế cho đủ chi tiêu?

Không hụt thu vẫn thiếu tiền tiêu

Trao đổi với PV. VietNamNet, một cán bộ của Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) xác nhận con số 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách là chính xác.

Trong đó, khoảng 2 triệu/2,4 triệu viên chức được hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng hơn 500.000 công chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách thì số người nhận lương từ ngân sách lên tới khoảng 11 triệu người.

Từ nhiều năm nay, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng chi thường xuyên để duy trì bộ máy tăng nhanh, tạo gánh nặng lên ngân sách.

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng loạt thuế

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng loạt thuế

Các chuyên gia đều thống nhất cao ở nhận định: Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Bởi thu ngân sách vẫn liên tục tăng cao.

Diễn đàn nào về ngân sách các đại biểu cũng cảnh báo về việc chi cho bộ máy hành chính quá lớn và đề nghị giảm chi, dành tiền chi cho đầu tư phát triển.

Trên thực tế, tỷ lệ chi thường xuyên đã tăng từ mức gần 60% của đầu những năm 2000 lên tới 70-80% tổng chi ngân sách. Số chi nuôi bộ máy lớn hơn nhiều lần số chi cho đầu tư.

Hồi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã hoàn thành một nghiên cứu tập trung vào vấn đề chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn tỷ đồng đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi ngân sách nhà nước ước khoảng 14 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã liên tục yêu cầu cắt giảm, nhưng thực tế số chi từ ngân sách vẫn phần lớn dành cho chi thường xuyên.

Con số công bố mới nhất của Bộ Tài chính cũng cho thấy 8 tháng đầu năm nay, tiền chi đầu tư phát triển cũng chỉ có khoảng 137 nghìn tỷ, chi trả nợ lãi hơn 68 nghìn tỷ trong khi chi thường xuyên vẫn chiếm phần lớn, với số tiền lên đến 585 nghìn tỷ.

Như vậy, chi thường xuyên vẫn chiếm khoảng 74% tổng chi ngân sách.

Thất thoát, lãng phí chưa dứt đã nghĩ chuyện tăng thu

Thực tế, chi ngân sách vẫn liên tục tăng cao, bội chi ngân sách trở thành nỗi lo của nền kinh tế, nhất là giai đoạn 2011-2015.

Năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP thì năm 2013 vọt lên 6,6% GDP, năm 2015 là 6,28% GDP, với khoảng 260 nghìn tỷ. Đó là con số đã được quyết toán chính thức. Năm 2016 con số này có giảm nhưng vẫn cao, ở mức 4,95% GDP (khoảng 192 nghìn tỷ).

Để bù đắp bội chi, vay trong nước và vay nước ngoài là biện pháp được thực hiện.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hồi tháng 3 năm ngoái thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.

Dự án ngàn tỷ đắp chiếu gây áp lực lên ngân sách

Dự án ngàn tỷ đắp chiếu gây áp lực lên ngân sách

Giải thích việc chi cho bộ máy quá lớn một chuyên viên Vụ Ngân sách Nhà nước cho rằng: Trong quản lý hành chính công có những tiêu chí, định mức cụ thể. Cứ 100 dân số có 1 công chức. Thực tế dân số những năm qua tăng quá lớn, từ chỗ chỉ có 70 triệu dân lên 90 triệu dân. Quy mô dân số tăng nhanh nên công chức tăng theo.

“Một địa phương dân số đầu năm 2000 chỉ 1 triệu, giả sử đến 2018 tăng lên 1,5 triệu thì phải chia tách phường, cho nên có chuyện như thế”, vị cán bộ Vụ ngân sách Nhà nước nói và khẳng định “cùng với xu hướng tăng lên của dân số, bộ máy hành chính rất khó cắt giảm được”.

Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước cho rằng: Việc giảm chi tiêu thường xuyên không phải hô hào khẩu hiệu mà đã thể hiện mạnh mẽ trong dự toán hàng năm, trong thu chi hàng năm, trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm.

Năm 2013-2014, khi giá dầu thô lao dốc quá nhanh, nguồn thu ngân sách giảm, khi làm dự toán, Bộ Tài chính đã yêu cầu tiết kiệm ngay chi thường xuyên 10% trong quá trình làm dự toán, tất nhiên trừ khoản chi cho con người, chi cho học sinh sinh viên. Nhưng những gì không liên quan đến con người tuyệt đối cắt luôn.

Ngoài ra, theo vị này, trong hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm, Bộ Tài chính yêu cầu cắt giảm mạnh chi hội họp, khánh tiết, mua sắm trang thiết bị không cần thiết,…

Nhưng đó vẫn chỉ biện pháp ngắn hạn giải quyết phần ngọn. Tiết kiệm chi vẫn chỉ là hình thức. Bằng chứng là, con số thất thoát, lãng phí lên đến hàng nghìn tỷ vẫn thường xuyên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Đơn cử, tại báo cáo kiểm toán ngân sách 2015 – là kết quả mới nhất, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán còn nhiều sai sót. Có dự toán được thẩm tra, thẩm định nhưng khi phê duyệt vẫn còn sai sót. Cụ thể kiểm toán 46 dự án nhóm A phát hiện dự toán sai sót trên 1.500 tỷ đồng.

“Có dự án thanh toán vượt giá trị quyết toán; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ gần 12.400 tỷ đồng”, theo kết luận kiểm toán.

Một năm về trước, khi trò chuyện với PV. VietNamNet, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh đã nói thẳng: Cần thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất. Vì nếu thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế.

Lập luận tăng thuế chưa thuyết phục

Bài viết mới