Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về nhóm giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất. Đây là một trong những loại giấy tờ mà người sử dụng đất cần hết sức lưu ý bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp đang sử dụng đất chưa được cấp sổ đỏ và không biết giấy tờ về quyền sử dụng đất là gì, hiện đang lưu giữ ở đâu,…
Ảnh minh họa
Những giấy tờ nào làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất?
Tại Điều 135, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 7 nhóm giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất.
Thứ nhất là những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
Nhóm giấy tờ thứ ba là giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
Nhóm thứ tư là giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
Một nhóm giấy tờ khác cũng thuộc trường hợp giấy tờ về quyền sử dụng đất là giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nhóm giấy tờ thứ sáu là giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
Ngoài các nhóm giấy tờ nêu trên còn có nhóm giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Người dân cần lưu ý gì về các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất?
Người dân cần lưu ý gì?
Điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là quy định cụ thể các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đồng thời mỗi địa phương có mỗi loại giấy tờ khác nhau thì sẽ giao thẩm quyền cho mỗi địa phương xác định các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định.
Trên thực tế hiện nay, nhiều người dân không am hiểu quy định của pháp luật đang loay hoay không biết các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất là gì và mảnh đất họ đang sử dụng liệu có các giấy tờ nêu trên hay không, nếu có thì đang được lưu giữ ở đâu,…
UBND thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa báo cáo kết quả tổng hợp về việc góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi năm 2023.
Trong số nhiều ý kiến góp ý liên quan, có ý kiến góp ý cho rằng, tại Khoản 1 và 2 Điều 135 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn về hơn về những giấy tờ được công nhận trước ngày 15/10/1993.
Lý dó là khi người dân đi làm giấy tờ, giấy tờ sử dụng từ trước ngày 15/10/1993 nhưng ký xác nhận vào ngày 16/10/1993 thì không được công nhận.
Bên cạnh đó còn có góp ý cho rằng, Luật quy định trường hợp có tên trong sổ địa chính trước ngày 15/10/1993 thì được dùng làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên khi người dân thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất thì các cơ quan chuyển thông tin không thực hiện và chỉ dùng để tham khảo, gây khó cho người dân trong việc đăng ký.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, chị L (quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết bản thân chị từng đi đến cơ quan chức năng để đề nghị cung cấp thông tin về các giấy tờ làm cơ sở công nhận quyền sử dụng đất.
Chị L cho biết, bản thân chị có biết quy định của Luật Đất đai về việc người dân có quyền đề nghị cung cấp thông tin về hồ sơ địa chính của thửa đất.
Mới đây chị L có đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Điện Bàn để đề nghị cung cấp thông tin về hồ sơ địa chính liên quan đến mảnh đất mà hộ gia đình đang sử dụng.
Tại đây, chị L nộp tờ khai đề nghị cung cấp thông tin về thửa đất theo mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong tờ khai này, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp các thông tin về thửa đất như quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính, lịch sử giao dịch, thông tin quy hoạch,…
Sau khi nộp tiền lệ phí theo quy định, chị L được cung cấp các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất như hồ sơ được lập theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ năm 1980.
Đây là một trong những loại giấy tờ rất quan trọng để xác định lại diện tích đất ở cho gia đình và cả việc xin lập thủ tục cấp sổ đỏ đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 28/2/2023, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đơn cử như, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có mở rộng các quy định cụ thể hơn về việc như thế nào là các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất.
“Đặc biệt là mỗi địa phương có một hệ thống các loại giấy tờ khác nhau thì giao thẩm quyền cho các địa phương về việc xác định các loại giấy tờ về đất đai”, ông Chính phát biểu.