Bất động sản Đà Lạt chờ cú hích từ quy hoạch, hạ tầng

Những tín hiệu tích cực đang mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Giao dịch nhà đất tại thành phố Đà Lạt sụt giảm từ quý 3/2022.

Giao dịch giảm mạnh

Thời gian qua, thành phố Đà Lạt là một trong số ít những địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản.

Năm 2022, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng ghi nhận lượng giao dịch nhà đất diễn ra sôi động trong quý 1 và quý 2 rồi bất ngờ sụt giảm trong quý 3 và quý 4.

Số liệu thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong quý 1/2022, toàn thành phố Đà Lạt ghi nhận 1.162 giao dịch đất nền và 213 giao dịch nhà ở riêng lẻ. Bước sang quý 2/2022, lượng giao dịch tại thành phố này tăng mạnh lên 1.398 giao dịch đất nền và 395 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chung của thị trường toàn tỉnh, sang đến quý 3 và quý 4/2022, lượng giao dịch nhà đất tại thành phố Đà Lạt đã giảm mạnh.

Trong năm 2022, thị trường bất động sản Đà Lạt cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực từ việc hàng loạt doanh nghiệp đề xuất triển khai lập quy hoạch hàng loạt dự án lớn trên địa bàn.

Đơn cử như, quy hoạch phân khu khu đô thị Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp quy mô 207ha; quy hoạch khu dân cư tái định cư 5B quy mô 88ha; khu du lịch cảnh quan Hồ Mê Linh quy mô 7,7ha; dự án khu dân cư Lữ Gia quy mô 15ha; khu dân cư mới Cam Ly quy mô gần 50ha.

Ngoài ra còn có ý tưởng quy hoạch phường 11, 12 và xã Xuân Thọ; quy hoạch tuyến đường sinh thái cảnh quan tránh thành phố Đà Lạt; quy hoạch xây dựng khu chức năng tại xã Xuân Thọ; quy hoạch phân khu 1/2000 tại phường 7, phường 8; quy hoạch phân khu Triệu Việt Vương – An Bình – Đống Đa (D2), phường 3.

Thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị, như Khu đô thị mới số 6, Trại Mát; Khu dân cư số 5; Khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp Sun Garden Đà Lạt.

Trong năm 2023, tại thành phố Đà Lạt dự kiến triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị mới như, dự án khu dân cư Lữ Gia thuộc quy hoạch phân khu A9; khu nhà ở thương mại tại đường Huỳnh Tấn Phát.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực nói trên, thị trường bất động sản thành phố Đà Lạt cũng ghi nhận nhiều dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Thống kê từ UBND thành phố Đà Lạt cho biết, qua rà soát có 41 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chưa đưa đất vào sử dụng). Trong đó, đáng chú ý nhất là 35 dự án chưa sử dụng đất do chậm tiến độ đầu tư.

Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm vừa đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm

Nhiều tín hiệu tích cực

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản thành phố Đà Lạt liên tục đón nhận nhiều thông tin tích cực liên quan đến vấn đề về quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Theo quyết định, phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính thành phố và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.

Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850m trở lên.

Tính chất đô thị xác định đây sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia.

Đây còn là trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

TP Đà Lạt được xác định là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.

Theo quy hoạch, quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2035 khoảng 25.500-27.000ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800-7.200ha); đến năm 2045 khoảng 45.000-46.500ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000-12.400ha).

Cũng liên quan đến vấn đề về quy hoạch, UBND thành phố Đà Lạt mới đây đã đề xuất hàng loạt dự án quy mô lớn có nguồn vốn ngoài ngân sách cập nhật vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để xúc tiến thủ tục thu hút đầu tư vào địa phương trong thời gian tới.

Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cũng vừa đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời mở rộng diện tích Khu du lịch về phía nam thêm 2.700ha.

Song song với đó, dự án khu du lịch Đankia – Suối Vàng quy mô hơn 30.000 tỉ đồng cũng vừa được đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư để tiến đến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm và khu du lịch Đankia – Suối Vàng là hai khu du lịch lớn, sẽ góp phần nhanh chóng đưa thành phố Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

UBND thành phố Đà Lạt cũng vừa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, phê duyệt Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố để có cơ sở triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch được xây dựng, thành phố Đà Lạt dự kiến triển khai các mô hình thí điểm phát triển kinh tế đêm giai đoạn 2022-2023 và các giai đoạn tiếp theo với nhiều mô hình đặc sắc như, công viên nhạc nước, tuyến phố ẩm thực, khu phố đi bộ, chợ đêm và các loại hình vui chơi giải trí, Shophouse, Clubhouse/Casino,…

Chưa dừng lại ở đó, tại thành phố Đà Lạt cũng sẽ hình thành đô thị trục di sản Đông – Tây. Trục di sản này được xác định là trục giao thông chính, với các đầu mối giao thông quan trọng kết nối thành phố Đà Lạt và địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng như với các tỉnh lân cận.

UBND thành phố Đà Lạt cho biết, ranh giới bao trùm các khu vực cần thiết bảo vệ và cần tái cấu trúc, tổng chiều dài khoảng 6,5km.

Trong năm 2023, tại thành phố Đà Lạt có nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông có quy mô lớn đủ điều kiện khởi công và thời gian hoàn thành dự kiến chậm nhất vào năm 2026.

Ngoài ra, dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công đầu tư xây dựng. Đây là một dự án động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng.

Bài viết mới