Bạc Liêu, Kiên Giang bổ sung vào quy hoạch 52km đường Hồ Chí Minh

2 đoạn tuyến Hồ Chí Minh nối Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận chính thức được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, thi công khoảng 52km chiều dài, bao gồm đường bộ và 26 cây cầu.

2 đoạn tuyến Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận dài 52km yêu cầu tổng kinh phí gần 4.000 tỉ đồng (hình minh họa)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 52km đường Hồ Chí Minh đi qua 2 tỉnh Bạc Liêu (45,22km) và Kiên Giang (6,6km). Dự án bao gồm 2 đoạn tuyến: Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 3.904 tỉ đồng. Cụ thể:

Đoạn tuyến kết nối Rạch Sỏi – Bến Nhất dài khoảng 11km nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang; kết nối huyện Châu Thành với huyện Giồng Riềng của tỉnh này. Về hướng tuyến, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất cơ bản đi trùng, tận dụng và mở rộng Quốc lộ 61 hiện hữu.

Đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận, dài khoảng 40km; điểm đầu thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Hướng tuyến dự án: Từ điểm tách Quốc lộ 61, tuyến đi theo hướng Đông Nam đến khu vực phà Cái Lớn, vượt sông Cái Lớn tuyến đi bên phải ĐT12 (qua trung tâm xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy) và kênh Lộ Xe đến phà Vĩnh Tuy (sông Cái Tàu); vượt sông Cái Tàu và đi song song, cách kênh Lộ Xe khoảng 300m – 500m đến phà Vàm Chắc Băng (kênh Ngã Ba Đình); vượt kênh Ngã Ba Đình, đi bên trái ĐT12 và kênh Chắc Băng; đến tuyến đi tránh thị trấn Vĩnh Thuận; cuối cùng nhập vào Quốc lộ 63.

Dự án thuộc nhóm A, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 3.904 tỉ đồng, thi công đường bộ quy mô 4 làn xe (giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe) với vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án dự kiến xây dựng 26 cầu; trong đó có 3 cầu vượt sông lớn là cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025, đi vào khai thác năm 2026.

Sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án sẽ tiến tới nghiên cứu, sẽ điều chỉnh hướng tuyến để hạn chế tối đa GPMB, tránh các khu tập trung đông dân cư, các khu di tích; chuẩn xác chiều dài dự án, các điểm giao cắt, giải pháp thiết kế…

Các địa phương cập nhật phương án tuyến vào quy hoạch có liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư, kết nối thuận tiện với các khu dân cư, khu đô thị, trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp.

Dự án dự kiến sẽ thúc đẩy giá trị bất động sản tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, đặc biệt tại các huyện có đoạn tuyến dự án đi qua.

Bài viết mới