Tuần 13 – 19/3: 2 nhà băng đầu tiên họp cổ đông, cổ phiếu ngành ngân hàng phân hoá mạnh

TIN MỚI

Sắc đỏ chiếm áp đảo ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong 5 phiên vừa qua. Sau 2 phiên đầu tuần (13-14/3) bị bán mạnh, cổ phiếu ngân hàng đảo chiều hồi phục trong phiên 15/3 khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày này. Tuy nhiên, đà tăng không được duy trì sang các phiên tiếp theo.

Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm giá

Trong tuần 13-17/4, có 16 trong 27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, tập trung ở nhóm vốn hoá lớn.

NVB và EIB giảm mạnh nhất ngành, mất 4,9% và 4,6% trong tuần. Với mức đóng cửa 15.400 đồng/cp phiên 17/3, cổ phiếu NVB đang ở vùng giá thấp nhất trong gần 9 tháng.

Nhiều cổ phiếu khác cũng giảm trong tuần qua như OCB (-3,7%), VBB (-3,7%), STB (-3,7%),…và cả nhóm vốn hoá lớn như VCB (-3,4%), TCB (-1,8%), BID (-1,8%), CTG (-0,7%),…

Đáng chú ý, giá cổ phiếu STB của Sacombank giảm mạnh đi kèm với động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Toàn bộ 5 phiên, khối ngoại đều bán ròng STB, với khối lượng gần 15 triệu đơn vị, giá trị hơn 370 tỷ đồng. Về thanh khoản, STB vẫn đứng đầu ngành ngân hàng về giá trị giao dịch khớp lệnh, đạt gần 2.900 tỷ đồng trong tuần.

Việc loạt cổ phiếu lớn như VCB, BID, TCB giảm trong tuần qua đã khiến VNIndex đi xuống. Chỉ số chung của thị trường đóng cửa tuần ở mức 1.045,14 điểm.

VPB, TPB tăng mạnh nhất ngành

Ở chiều ngược lại, một số mã ngân hàng vẫn diễn biến tích cực như VPB (+7,7%), TPB (+5,4%), SHB (+1,5%),…Ngoài ra còn có loạt mã giao dịch trên UPCoM gồm SGB (+3,7%), PGB (+2,2%), NAB (+2%),…

Cổ phiếu VPB của VPBank tiếp tục tăng sau khi thông tin bán vốn cho SMBC được hé lộ vào cuối tuần trước. Đóng cửa ngày 17/3, giá VPB ở mức 19.700 đồng/cp. Thanh khoản VPB cũng tăng mạnh so với tuần trước đó, với giá trị khớp lệnh đạt gần 2.300 tỷ đồng.

TPB của TPBank thì tăng mạnh trước ngày chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt. Đầu tuần sau, ngày 21/3 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông TPBank được nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%. Ngân hàng dự kiến thanh toán cổ tức vào ngày ¾. Thanh khoản TPB cũng bùng nổ tuần qua, với giá trị giao dịch gần 870 tỷ đồng, gần gấp 2 lần tuần trước đó.

Một số mã khác nỗ lực thoát khỏi xu hướng giảm trên thị trường, giữ nguyên giá trong tuần qua như HDB và VIB. Đóng cửa ngày 17/3, giá cổ phiếu HDB tương đương với ngày 10/3, ở mức 18.500 đồng/cp. HDB của HDBank là một trong 3 mã ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất tuần qua, khối lượng gần 1,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu VIB cũng không thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn 20.950 đồng/cp. Trong đó, VIB tăng mạnh, có thời điểm gần trần trong phiên 15/3 – cũng là phiên ngân hàng tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng đạt 2.300 tỷ đồng/phiên

Giá trị giao dịch toàn nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tương đương 2.300 tỷ đồng/phiên, cao hơn mức bình quân tuần trước 2.000 tỷ đồng.

Ở phương thức thoả thuận, MSB ghi nhận giá trị giao dịch “khủng” trong tuần. Có hơn 56 triệu cp MSB được trao tay theo phương thức này, giá trị 700 tỷ đồng. EIB cũng có hơn 34 triệu đơn vị được thoả thuận, giá trị 700 tỷ đồng.

2 ngân hàng họp cổ đông, thông qua kế hoạch chia cổ tức

Trong tuần qua, đã có 2 ngân hàng họp đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua nhiêu nội dung quan trọng.

Tại VIB, cuộc họp ngày 15/3 đã thông qua kế hoạch trả cổ tức 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu trong năm 2023. Với việc tăng vốn bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ mức gần 21.077 tỷ đồng lên hơn 25.368 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, năm sau (2024), nếu không có sự giới hạn của NHNN thì có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.

Ngày 17/3, NamABank họp cổ đông và thông qua kế hoạch đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Nam A Bank lên sàn HNX hoặc HOSE tùy điều kiện của thị trường. Ngoài ra, Đại hội đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ.

Tuần 13 - 19/3:  2 nhà băng đầu tiên họp cổ đông, cổ phiếu ngành ngân hàng phân hoá mạnh - Ảnh 1.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới