Lâm Đồng xử lý tình trạng hiến đất làm đường, tách thửa đất như thế nào?

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đưa ra hướng xử lý các trường hợp phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Điểm nóng phân lô, tách thửa hiện nay ra sao?

Giai đoạn từ năm 2021 trở về trước, thành phố Bảo Lộc có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản gây nhiễu loạn thị trường và làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tại khu vực và tỉnh.

Việc một số cá nhân đã thu gom đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sang đất ở hoặc phân lô đất ở để chuyển nhượng (bán) cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, tạo nên các khu dân cư mới không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã lập tổ công tác kiểm tra toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông mới để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, và đã phát hiện nhiều nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Sau những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Lâm Đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, “cơn sốt” hiến đất làm đường tách thửa đất đã tạm lắng xuống, với lượng giao dịch đất nền giảm mạnh từ quý 3/2022.

Thành phố Bảo Lộc là một trong số những địa phương ghi nhận có lượng giao dịch nhà đất nhiều nhất tại tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022.

Theo thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, nếu như trong quý 1/2022, thành phố Bảo Lộc có 958 giao dịch đất nền, thì đến quý 2/2022 lượng giao dịch đã vượt tăng vọt lên 1.379 giao dịch đất nền. Bước sang quý 3/2022, lượng giao dịch đất nền tại địa phương này giảm mạnh xuống còn 533 giao dịch, nhưng sang quý 4 thì bật tăng lên 676 giao dịch.

Trong báo cáo về kết quả thống kê đất đai năm 2022 công bố ngày 9/3 vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc cho biết đã kịp thời chấn chỉnh việc hiến đất mở đường, tách thửa, khắc phục dứt điểm tình trạng tự phân lô, bán nền trái quy định pháp luật.

Tính đến cuối năm 2022, thành phố này đã cấp 246 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), với tổng diện tích là 578.974m2. Trong đó có 87 GCN đất ở đô thị với diện tích 12.893m2; 156 GCN đất nông nghiệp với diện tích 565.705m2; 3 GCN đất ở nông thôn diện tích 376m2. Thành phố Bảo Lộc cũng đã giải quyết 1.350 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích 475.960m2.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 41 dự án nằm trong danh mục kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó tập trung vào bốn lĩnh vực gồm công nghiệp; du lịch, dịch vụ và thương mại; nông nghiệp; đầu tư hạ tầng và khu dân cư. Hiện các nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu, khảo sát các vị trí, xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch để triển khai đầu tư.

Trong số các nhà đầu tư có Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nova, Tập đoàn SAM, Tập đoàn Eras, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Trường Hải, Công ty CP Vietstar Đà Lạt JSC…

Ảnh minh họa

Xử lý các trường hợp hiến đất làm đường, tách thửa đất

Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Công văn số 1952/UBND-ĐC1 chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo đó, đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản), UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo các hướng có liên quan.

Cụ thể, đối với khu vực, diện tích đất phù hợp với các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Đồng thời lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Đối với các khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Song song với đó, thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý các vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở (nếu có),… theo quy định.

Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chỉnh thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

Đối với nhóm thứ ba là các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở,… theo quy định.

Đối với các trường hợp này không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho phép tiếp tục giải quyết các trường hợp hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp đường giao thông dự kiến phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.

Bài viết mới