trái phiếu doanh nghiệp gây áp lực lên nợ xấu ngành ngân hàng, ông Đặng Khắc Vỹ nói “VIB an toàn” nhờ danh mục 90% từ bán lẻ và không cho vay nhà hình thành trong tương lai.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Quốc tế (VIB) ngày 15/3, Chủ tịch ngân hàng Đặng Khắc Vỹ nhận định, 2023 là năm rất khó khăn và “rất nhiều khó khăn nữa” với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều cổ đông lo ngại bất động sản “đóng băng” và giảm giá sẽ gây hệ luỵ xấu lên khả năng thu hồi nợ của ngân hàng. Ngành ngân hàng với tư cách là đơn vị tài trợ vốn cho kênh này cũng không tránh khỏi tác động.
Ông Đặng Khắc Vỹ thừa nhận đây là vấn đề đau đầu với hệ thống ngân hàng và cơ quan quản lý. Ông cho rằng tác động của trái phiếu doanh nghiệp có thể “chưa được nhìn thấy” trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng, đặc biệt những đơn vị tập trung cho vay bán buôn. Những khoản cho vay doanh nghiệp có thể được tái cấu trúc nên tại thời điểm này vẫn đẹp trên sổ sách nhưng thực tế có thể tiềm ẩn khoản nợ xấu hàng nghìn đến hàng nghìn chục tỷ.
Tuy nhiên giải toả to ngại của cổ đông, ông Đặng Khắc Vỹ khẳng định đây không phải là vấn đề tại VIB – nhà băng đặc thù có tới 90% danh mục là bán lẻ.
Khác với nhóm doanh nghiệp bán buôn, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng bán lẻ như VIB sẽ phản ánh tức thì ngay khi thị trường có biến động. Đơn cử, giai đoạn Covid-19, tỷ lệ nợ xấu của VIB sẽ tăng ngay thời điểm đó nhưng sớm bình ổn lại.
VIB có tới 270.000 khoản vay nhỏ lẻ với tổng dư nợ 210.000 tỷ. Điều đó có nghĩa là mỗi khoản vay có giá trị trung bình chỉ khoảng 750 triệu đồng. “Cái hay của chúng tôi là tất cả khoản nợ xấu của VIB đều thu hồi được 105% giá trị ban đầu”, ông nói và khẳng định “chưa bao giờ mất vốn”.
Hiện tại, 90% danh mục cho vay bán lẻ của VIB là có tài sản đảm bảo và 10% là vay tín chấp qua thẻ tín dụng. Cho vay mua nhà chiếm tới một nửa danh mục bán lẻ.
Với mảng cho vay mua nhà, VIB không cho vay nhà ở giá trị lớn ở biển đảo, các dự án đang triển khai, hay ở các condotel. VIB chỉ chấp nhận tài sản đảm bảo đã có chủ, sổ hồng sổ đổ – không chấp nhận tài sản hình thành tương lai. Đây là sự khác biệt với phần đông thị trường mà theo Chủ tịch VIB, giúp chất lượng tài sản của nhà băng này vẫn an toàn kể cả trong kịch bản bất động sản giảm giá 30-40%.
Tại VIB, trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản chỉ chiếm 3% dư nợ tín dụng. Ngân hàng chỉ nắm 1.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ 232.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này theo ông Vỹ cũng là của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các định chế tài chính. Dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chỉ ở mức 3.800 tỷ đồng, thấp hơn nhiều ngân hàng khác và chủ yếu hướng đến các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Phú Mỹ Hưng.
Ông Đặng Khắc Vỹ cũng dẫn báo cáo của Moody’s cho thấy, tỷ lệ trái phiếu và cho vay bất động sản, xây dựng tại VIB chỉ chiếm gần 15% vốn chủ sở hữu trong khi tỷ lệ này tại nhiều ngân hàng trên thị trường vượt 100%, thậm chí có ngân hàng lên tới 300%. “Đây là những con số cho thấy VIB kiên định với việc giữ khẩu vị rủi ro ở mức an toàn”, ông nói.
Tại đại hội, cổ đông VIB đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 35%, gồm 15% cổ tức bằng tiền mặt và 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Vào đầu tháng 3, nhà băng này đã chi trả tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng là hơn 2.107 tỷ đồng.
Nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.
Quỳnh Trang