UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó hé mở quỹ đất phát triển mới cùng với những định hướng phát triển đô thị tại thành phố trong thời gian tới.
Một dự án tại thành phố Huế. Ảnh: Lưu Bang
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 492 /QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp tại thành phố Huế khoảng 12.667,20 ha; Đất phi nông nghiệp là 13.729,19 ha; Đất chưa sử dụng là 249,69 ha.
Một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang triển khai tại thành phố Huế. Ảnh: Lưu Bang
Cũng theo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 2.099,76 ha; Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp là 142,0 ha; Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 159,8 ha.
Song song với đó, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất nông nghiệp là 0,50 ha và diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất phi nông nghiệp là 169,82 ha.
Tuyến đường Hai Bà Trưng, thành phố Huế được đầu tư lát đá toàn bộ vỉa hè và mặt đường. Ảnh: Lưu Bang
Quy hoạch sử dụng đất vừa được phê duyệt cũng đã cho biết định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế đến năm 2050.
Trong đó có tầm nhìn định hướng không gian đô thị.
Cụ thể khu vực phát triển đô thị Bắc sông Hương nằm ở trung tâm phía Bắc thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường: Kim Long, Thuận Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Phú Hậu, Thuận Lộc, Tây Lộc, Hương Vinh, Hương Sơ, An Hòa, Hương Long.
Đây sẽ là trung tâm di tích lịch sử, văn hoá, thương mại dịch vụ, cảnh quan thiên nhiên đặc thù của thành phố Huế.
Đường Đống Đa, thành phố Huế được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đây là khu vực phát triển đô thị Nam Sông Hương. Ảnh: Lưu Bang
Khu vực phát triển đô thị Nam sông Hương nằm ở khu vực trung tâm phía Nam thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường: Vĩ Dạ, Phú Hội, Xuân Phú, Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phước Vĩnh, An Cựu, An Đông, An Tây, Trường An, Phường Đúc, Thủy Xuân, Thủy Biều, Thủy Bằng, Hương Thọ.
Đây sẽ là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh và thành phố Huế; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm đào tạo y tế cấp vùng.
Một dự án bất động sản đang triển khai tại Khu vực phát triển đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế. Ảnh: Lưu Bang
Khu vực phát triển đô thị mới An Vân Dương bao gồm các phường An Đông, Xuân Phú, Thủy Vân, Phú Thượng, Phú Dương và một phần các xã thuộc thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang.
Đây là trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí; trung tâm hành chính, công nghệ thông tin tập trung, phục vụ nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của người dân thành phố cũng như du khách đến thành phố. Là khu đô thị mới hiện đại xen lẫn các hình thức ở.
Khu vực phát triển đô thị Thuận An nằm ở khu vực phía Bắc thành phố Huế, thuộc ranh giới hành chính của các phường Thuận An, Phú Mậu, Phú Dương, Hải Dương, Hương Phong.
Đây sẽ là khu vực phát triển du lịch – kinh tế khai thác tài nguyên biển và hạ du sông Hương. Chức năng đô thị khá đa dạng bao gồm cư trú, thương mại, du lịch, ngư nghiệp, cảng biển.
Riêng về tầm nhìn công nghiệp – thương mại dịch vụ, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp theo hướng xây dựng hạ tầng đồng bộ giữa trong và ngoài hàng rào. Các cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh để bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp và môi trường các khu vực lân cận.
Đến năm 2050 tiếp tục nâng cấp và đầu tư bổ sung hạ tầng cụm công nghiệp An Hòa với tổng diện tích khoảng 48 ha, đầu tư mới 02 cụm công nghiệp Hương An và Thủy Bằng với tổng diện tích khoảng 105 ha.
Tĩnh cũng phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, khai thác tiềm năng về ẩm thực, văn hóa truyền thống, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tập trung mọi nguồn lực nâng cấp hạ tầng đô thị phục vụ phát triển kinh tế nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao.
Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao chất lượng hoạt động phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu, phố đi bộ Hoàng Thành tăng cường các hoạt động văn hóa cộng đồng để phục vụ du khách.
Một dự án bất động sản nằm tại vị trí đắc địa gần bên sông Hương, trung tâm thành phố Huế. Ảnh: Lưu Bang
Tỉnh còn quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch như: sinh thái, trải nghiệm, làng nghề, nhà vườn, tâm linh, chùa Huế trong phát triển du lịch Huế, nhằm phát huy tối đa lợi thế của Cố Đô, dòng sông Hương, Thành phố Di sản văn hóa thế giới, Thành phố Festival…
Đặc biệt là việc đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách vào các dự án để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch tâm linh tại các phường, xã mới sáp nhập: Hương Thọ, Thủy Bằng, Phú Mậu, Hương Phong, Hải Dương, Thuận An…
Tại tỉnh cũng sẽ hình thành sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp du lịch biển vùng đầm phá tại Hải Dương – Thuận An – Hương Phong, trong đó tạo ra được sản phẩm du lịch Rú Chá – Cồn Tè kết hợp du lịch nghĩ dưỡng và cộng đồng có chất lượng tại biển Hải Dương và Thuận An.
Chưa hết, tỉnh còn nâng cấp, đầu tư mới các bến thuyền du lịch dọc sông Hương và các nhánh sông…; tăng cường quản lý, chấn chỉnh và nâng cao các dịch vụ trên thuyền du lịch phục vụ du khách. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng mới thuyền du lịch với mẫu mã đẹp, phù hợp cảnh quan của Thành phố văn hóa, di sản, thân thiện với môi trường, không xả thải và gây tiếng ồn.