TIN MỚI
Loạt câu hỏi đằng sau kế hoạch giải cứu của Chính phủ Mỹ
Ngay trước khi bước vào giờ giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đăng đàn khẳng định hệ thống ngân hàng của nước Mỹ vẫn an toàn. Chính vì thế, các nhà đầu tư cũng như người dân không cần lo lắng về sự việc xảy ra ở các ngân hàng SVB và Signature Bank.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa an tâm với những gì ông chủ Nhà Trắng nói. Sự thiếu niềm tin dẫn tới việc cổ phiếu ngân hàng lao dốc, trong đó một mã giảm tới hơn 60%.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 13/3, trong khi S&P 500 chỉ giảm 0,15%, cổ phiếu các ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh. Cổ phiếu các nhà băng lớn như JPMorgan Chase và Citigroup mất lần lượt 1,8% và 7,5% trong khi Bank of America sụt 5,8%. Những cái tên bé hơn như PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp sụt giảm lần lượt là 21% và 47%. Riêng First Republic mất tới 61% giá trị.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã có những phát biểu trấn an thị trường sáng 13/3 theo giờ Washington.
Phản ứng của thị trường là dẫn chứng cho thấy các nhà đầu tư không tin những biện pháp giải cứu của Chính phủ Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề. Khi kế hoạch sáp nhập SVB với một ngân hàng khác vừa không tìm được người mua lại vừa bị phản đối, Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã quyết định dừng xúc tiến việc này.
Thay vào đó, các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp cứu trợ. Nhà chức trách Mỹ đảm bảo mọi khoản tiền gửi, bao gồm cả những khoản không có bảo hiểm, cũng sẽ được rút tiền nếu khách hàng có nhu cầu. Nhằm trấn an dư luận, giới chức Mỹ cũng khẳng định họ sẽ không dùng tiền thuế của người dân để bù đắp những khoản lỗ (nếu có) của kế hoạch này. Phí tổn sẽ được thu lại từ các ngân hàng này thông qua một cơ chế đặc biệt.
“Chúng tôi sẽ trích khoản phí mà các ngân hàng trả vào Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi liên bang để bù đắp những phí tổn này”, ông Biden nói.
Tuy nhiên, rất nhiều người tỏ ra hoài nghi về điều đó.
Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang của Mỹ thường chỉ bảo hiểm cho số tiền lên tới 250.000 USD. Đây là phương thức được áp dụng nhằm bảo vệ các khách hàng nhỏ lẻ hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không chấp nhận bảo hiểm cho các khoản tiền lớn bởi hậu quả có thể vượt tầm kiểm soát khi ngân hàng phá sản.
Dẫu vậy, sau khi các nhà đầu tư mạo hiểm (các nhà tài trợ cho đảng Dân chủ) và các chính trị gia ở Thung lũng Silicon lên tiếng, FDIC “quay xe” thông báo rằng họ sẽ chi trả các khoản tiền gửi không được bảo hiểm ở SVB và Signature Bank bởi chúng là “rủi ro hệ thống”. Việc chỉ định SVB và Signature Bank là nguy cơ đối với hệ thống tài chính Mỹ cho phép các cơ quan quản lý có những biện pháp linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ lây lan rộng.
Điều này giúp các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã được bảo vệ ngay cả khi họ gửi tiền không bảo hiểm. Trớ trêu thay, đây cũng chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các gói kích thích kinh tế mà Chính quyền của ông Biden tung ra trong giai đoạn dịch bệnh.
Trải qua kỷ nguyên tiền rẻ, tiền gửi của nhóm này ở SVB cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2021. SVB trả lãi lên tới 5,28% cho các khoản tiền gửi lớn và dùng chúng để tài trợ cho các khoản vay của những công ty khởi nghiệp đầy rủi ro.
Và giờ đây, FDIC đang phải đi giải quyết mớ bòng bong này. Các khoản tiền gửi không bảo hiểm thường bị giảm 10 đến 15% khi ngân hàng đổ vỡ. Khoảng 85% đến 90% trong số 173 tỷ USD tiền gửi ở SVB không được bảo hiểm. Cho phép người gửi tiền rút toàn bộ số tiền, ngay cả khi không có bảo hiểm, khiến chi phí bảo lãnh của FDIC có thể lên tới 15 tỷ USD.
Nhà Trắng nói rằng phí tổn này sẽ được lấy từ chính các ngân hàng thông qua một “cơ chế đặc biệt”. Và cơ chế đó có nghĩa là mọi khách hàng, dù có ít hơn 250.000 USD tiền gửi, sẽ gián tiếp trả tiền cho FDIC thông qua việc tăng phí. Nói cách khác, đây là lấy của người ít tiền để giúp đỡ những người giàu sụ.
Trong khi đó, ông Biden tuyên bố: “Các nhà đầu tư vào ngân hàng sẽ không được bảo vệ. Họ đã chấp nhận rủi ro và khi rủi ro xảy ra, họ sẽ phải chấp nhận mất tiền. Đó là cách chủ nghĩa tư bản vận hành”.
Thông thường là thế. Nhưng cơ chế cho vay khẩn cấp mới của Cục Dự trữ Liên bang sẽ đảm bảo các ngân hàng không phải chịu lỗ khi thanh lý trái phiếu. Ngay cả khi giá trị trái phiếu giảm, chúng cũng sẽ được mua lại với giá ban đầu. Cơ chế thị trường không được áp dụng trong trường hợp này.
Trên thực tế, có rất nhiều ngân hàng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi lãi suất tăng cao cũng như đa dạng hóa đầu tư. Điều này dẫn tới việc họ phải trải nhiều chi phí hơn để đổi lại sự an toàn. SVB và Signature Bank không làm như vậy nhưng bây giờ, FED lại đang đứng về phía các ngân hàng này khi bảo vệ các khoản thua lỗ của họ.
Lỗi tại ông Trump?
Và như thường lệ, Tổng thống Joe Biden lại đổ lỗi cho chính quyền của ông Donald Trump về tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay. Người Dân chủ nói rằng chính quyền tiền nhiệm đã thay đổi một số quy định trong Đạo luật Dodd-Frank năm 2010 – vốn ra đời sau khủng hoảng tài chính 2008. Đạo luật này bao gồm những quy định chặt chẽ để ngăn thảm họa trong lĩnh vực ngân hàng.
Chính xác mà nói, ông Biden đã đề cập tới các quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng mà lưỡng đảng đã thông qua năm 2018, trong đó phân loại các tổ chức tài chính theo quy mô tài sản của họ. Tuy nhiên, ngay cả Barney Frank, một trong những người soạn thảo Dodd-Frank, cũng không đồng quan điểm sự thay đổi đó là nguyên nhân của tình trạng hiện nay.
Mục đích của quy định năm 2018 là giảm bớt gánh nặng chi phí khi các ngân hàng nhỏ và vừa phải thực hiện quá nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro. Đây cũng là rào cản khiến các ngân hàng vừa kém cạnh tranh hơn so với những gã khổng lồ tài chính – những ngân hàng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ ngầm của chính phủ. Đạo luật Dodd-Frank khiến tiền gửi chảy mạnh về các ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự thay đổi năm 2018, người ta cũng không thể ngăn được sự sụp đổ của SVB và Signature Bank – những ngân hàng mắc sai lầm nghiêm trọng trong quản lý rủi ro. Dù được sửa đổi nhưng luật năm 2018 vẫn buộc các ngân hàng nhỏ và vừa phải định kỳ kiểm soát mức độ thanh khoản cũng như kiểm tra khả năng chống chịu với “các điều kiện bất lợi trên thị trường”và những vấn đề bất thường khác, chẳng hạn như việc tăng sốc lãi suất.
Trong khi đó, quy định năm 2010 yêu cầu các ngân hàng thường phải có một vùng đệm thanh khoản, bao gồm các tài sản có tính thanh khoản cao chẳng hạn như trái phiếu kho bạc và các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp của các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, chính những tài sản này lại là thứ khiến SVB sụp đổ trong môi trường lãi suất cao. Đây là những tài sản vốn đặc biệt nhạy cảm với sự gia tăng lãi suất nhanh chóng. Và các nhà quản lý đã thất bại trong việc giám sát rủi ro với các tài sản này.
Trải qua phiên giao dịch đầu tiên sau khi khủng hoảng nổ ra, việc bán tháo cổ phiếu ngân hàng cho thấy các nỗ lực từ Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như việc bơm thanh khoản của FED đã không giúp ích được nhiều cho thị trường.
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại với hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và toàn thị trường nói chung. Họ cảm thấy không yên tâm khi FDIC đang nỗ lực giải cứu 2 ngân hàng, vốn gắn liền hoạt động với đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tiền số. Họ cũng có thể cảm thấy Nhà Trắng đang hành động với hy vọng xoay chuyển thực tế cùng những mục tiêu chính trị.
Không gì trong số này có thể khôi phục lại sự tự tin của thị trường, điều thực sự cần trong cơn hoảng loạn.
Tham khảo: WSJ
Tại sao giới chức Mỹ chỉ định SVB và Signature Bank là “rủi ro hệ thống”: Nỗ lực phi thường để ngăn khủng hoảng lan rộng?
Linh Anh
Nhịp sống Thị trường