Ngân hàng Nhà nước thanh tra đột xuất 11 tổ chức tín dụng về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Cơ quan Thanh tra ngành Ngân hàng vừa qua đã tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm.

Công tác thanh tra giám sát không chỉ dừng ở giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành quy định về an toàn trong hoạt động mà chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.

Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

“Kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan, góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động (nếu có), đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, Thống đốc nêu.

Theo bà Hồng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, việc cung ứng các dịch vụ liên quan trái phiếu doanh nghiệp để có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các rủi ro, vi phạm phát sinh; đồng thời thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh các ngân hàng với hoạt động này.

Ngân hàng Nhà nước còn cho biết đã chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ cảnh báo kịp thời, xử lý các vi phạm trong cấp tín dụng của các ngân hàng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu; cũng như giám sát các lĩnh vực hiệu quả kinh doanh thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao…

Bài viết mới