Theo báo cáo mới nhất của công ty Altrata, Hồng Kông đứng đầu các thành phố châu Á về số người siêu giàu đang cư trú, với khoảng 15.175 người.
Hồng Kông đồng thời xếp thứ 3 thế giới, sau New York với 21.714 cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên và London với 15.907 người.
Altara cho biết thế giới có khoảng 400.000 người thuộc câu lạc bộ siêu giàu trong tổng số 8 tỷ dân.
“Những người siêu giàu cư trú hoặc thường trú tại Hồng Kông do bị thu hút bởi liên kết vô hạn của thành phố này với Trung Quốc đại lục, mức thuế hấp dẫn và vị thế là một trung tâm dịch vụ tài chính lớn của thế giới. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị gần đây đã làm giảm sức hấp dẫn của Hồng Kông đối với các doanh nghiệp phi tài chính quốc tế”.
Hồng Kông đã tích cực thu hút các công ty quốc tế và các nhà đầu tư giàu có, khi thành phố tìm cách lấy lại vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á sau 3 năm khó khăn được đánh dấu bằng những bất ổn chính trị, Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.
Thành phố này đang đưa ra một loạt ưu đãi, chẳng hạn như hoàn trả thuế trước bạ cho những nhà đầu tư không phải cư dân khi mua nhà tại Hồng Kông, miễn là họ ở lại trong 7 năm và có hộ khẩu thường trú. Các đặc quyền khác bao gồm thị thực 2 năm dành cho những cá nhân kiếm được từ 2,5 triệu đô la Hồng Kông (318.000 USD) trong năm vừa qua, và những người tốt nghiệp ở 100 trường đại học hàng đầu thế giới với ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong giai đoạn 5 năm trước đó.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã vượt Singapore để trở thành thành phố sở hữu nhiều người siêu giàu thứ hai châu Á, với 8.923 người so với 7.471 người tại Singapore. Thủ đô của Trung Quốc cũng xếp thứ bảy toàn cầu, trong khi Singapore tụt xuống vị trí thứ tám.
Báo cáo cho biết: “Số lượng người siêu giàu (UNHW) tại thị trường giàu có lớn nhất Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những năm gần đây do nhu cầu mạnh mẽ từ những người muốn di cư hoặc sở hữu ngôi nhà thứ hai”.
Altara lưu ý rằng Tokyo “gần như chắc chắn” sẽ xếp hạng trong nhóm 5 thành phố đứng đầu danh sách, bất chấp “sự mờ nhạt của thị trường bất động sản Nhật Bản”.
Các thành phố của Hoa Kỳ thống trị 20 vị trí hàng đầu. Ngoài New York, các thành phố khác của Mỹ thuộc top 10 là Los Angeles, Miami, San Francisco, Chicago và Washington.
“Là trung tâm tài chính của thị trường giàu có lớn nhất thế giới và khu vực kinh tế lớn nhất của Mỹ, New York đứng đầu bảng xếp hạng với gần 22.000 cá nhân siêu giàu”, báo cáo cho biết.
“Năm quận Brooklyn, Queens, Manhattan, The Bronx và Staten Island mang đến sự pha trộn phong phú về văn hóa, lối tiêu dùng sang trọng, giáo dục chất lượng cao và bất động sản cao cấp. Vị thế thống trị của New York không chỉ ở số lượng của các cá nhân UHNW là công dân tại đây, mà cả những nhà đầu tư từ nơi khác di cư đến”.
Ở châu Âu, ngoài London, Paris cũng lọt vào top 20, đứng ở vị trí thứ 13 với 5.235 cá nhân giàu có. Đức, thị trường UHNW lớn thứ ba thế giới, không có thành phố nào trong top 25. Điều này phần lớn do nguồn tài sản tư nhân được phân bổ đồng đều hơn giữa các đô thị của Đức so với các quốc gia khác trên thế giới.
Hồng Kông đứng thứ ba trong số các thành phố không thuộc Hoa Kỳ về mật độ số người siêu giàu trên tổng số dân.
“Hồng Kông nổi bật trong số các thành phố dẫn đầu về số lượng người siêu giàu, cứ 351 cư dân thành phố thì có một người cực kỳ giàu có, cao gấp khoảng ba lần so với mật độ tại New York và Los Angeles”, Altrata cho biết.
Monaco đứng đầu thế giới về mật độ này, với 1 UNHW trên mỗi 39 cư dân. Các đặc điểm gồm khí hậu và vị trí, môi trường thuế thấp và mức độ an ninh cao giúp công quốc này thu hút các cá nhân giàu có. Ngoài ra, nhu cầu về bất động sản vượt xa nguồn cung hạn chế ở quốc gia ven biển này cũng tăng sức hấp dẫn và sự độc đáo của Monaco đối với các cá nhân siêu giàu.
Trong khi đó, Geneva đứng ở vị trí thứ hai về mật độ với một UNHW trên mỗi 213 cư dân.