Vừa mua được nhà đã phải bán vì lãi suất

Tích góp được một khoản tiền, chị Nguyễn Lan (37 tuổi, TP.HCM) đã sở hữu được căn nhà mơ ước, nhưng không lâu sau chị phải rao bán ngay vì không chịu nổi áp lực.

Khoảng cuối năm 2019, chị Lan sinh đứa con thứ hai. Có thêm người bỗng dưng căn phòng trọ 35m2 cũng trở nên chật hẹp hơn. Khi đó, chị Lan đang làm nhân viên tại một ngân hàng và mức lương có tăng hơn trước, nên chị bàn với chồng chuyện mua nhà.

Với tình hình tài chính hiện tại, chồng chị nói nên để dành thêm một vài năm nữa sẽ tốt hơn. Nhưng chị thuyết phục chồng nếu để dành thêm vài ba năm nữa được 500 triệu đồng thì giá nhà đất có khi đã lên 1 tỉ đồng. Hợp lý nên chồng chị cũng xuôi theo.

Chỉ trong một tháng kể từ khi lên kế hoạch mua nhà, vợ chồng chị Lan đã có trong tay 700 triệu đồng nhờ hỗ trợ của gia đình, bạn bè và người thân. Trong đó, bố mẹ hai bên cho anh chị 300 triệu đồng và tiền tiết kiệm 100 triệu đồng.

Tham khảo một số nơi tại khu vực anh chị đang trọ và được môi giới giới thiệu, vợ chồng chị Lan chốt mua một mảnh đất tại quận 12 có sẵn nhà cấp 4 được chủ nhà xây cách đây không lâu nên còn khá mới. Tổng giá trị căn nhà và các khoản phát sinh trong giao dịch là khoảng 1,6 tỉ đồng. Chị Lan quyết định vay thêm ngân hàng 900 triệu đồng, một tháng anh chị trả cho ngân hàng cả gốc và lãi hơn 10 triệu đồng.

Với thu nhập của hai vợ chồng 25 triệu đồng/tháng, chị Lan vạch rõ kế hoạch chi tiêu và trả nợ. Chị cho biết, số tiền chi trả vẫn nằm trong phạm vi cho phép nên anh chị không cảm thấy áp lực.

Lãi suất tăng đột ngột khiến nhiều người khốn đốn – Ảnh minh họa.

Chật vật vì lãi suất tăng

Thời điểm vay mua nhà, chị Lan phải trả với lãi suất cố định là 9% trong hai năm đầu. Từ năm thứ 3, áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất huy động 24 tháng của ngân hàng cộng thêm biên độ 3,5%/năm. Nên khi lãi suất huy động tăng lên, lãi suất chị phải trả cũng tăng lên hơn 11%.

Với mức lãi suất hiện tại, mỗi tháng chị Lan phải trả thêm khoảng 3 triệu đồng so với dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, gia đình có thêm con nhỏ, việc chi tiêu cũng tốn kém hơn, nên anh chị bắt đầu thấy áp lực.

Cố gắng duy trì được hai tháng, chị Lan bàn với chồng bán căn nhà để tất toán ngân hàng. Nhưng thời điểm đó lãi suất đang tăng cao bán nhà cũng không phải chuyện dễ dàng. Chị rao bán cả tháng không có ai hỏi mua, trong khi đó tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đầy đủ.

Chưa dừng lại ở đó, chồng chị chạy xe công nghệ nhưng do gặp rắc rối về hợp đồng chuyển đổi hợp tác xã nên mất hai tháng tạm ngưng. Khó chồng khó, chị Lan phải vay mượn thêm bố mẹ hai bên để trả nợ ngân hàng.

“Cứ mãi như vậy thì không ổn nên mình gửi hai bé về quê cho ông bà để bớt chi phí. Chồng mình cũng làm thêm công việc trong thời gian đợi duyệt hồ sơ xe. Nhưng chẳng thấm là bao. Tháng nào vợ chồng mình cũng phải hoạt động hết công suất để đủ tiền trả nợ ngân hàng” – chị Lan cho biết.

Đầu năm 2023, khi thị trường bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, chị tiếp tục rao bán căn nhà. Không lâu sau đó, đã có người đến hỏi mua và chốt mua với giá 1,8 tỉ đồng.

Chia sẻ về căn nhà đầu tiên, chị Lan tự nhủ: “Bán xong căn nhà vợ chồng mình thấy nhẹ nhõm hơn. Dù phải quay trở lại cuộc sống thuê trọ như trước đây nhưng căn nhà đầu tiên đã để lại cho mình nhiều bài học đáng giá. Trước khi mua nhà mình cũng tìm hiểu trước về những rủi ro phát sinh, những yếu tố cần thiết nhất nhưng việc lãi suất tăng nhanh như vậy là điều mình không ngờ tới. Có thể một tháng, hai tháng nữa lãi suất giảm dần, thậm chí giảm sâu nhưng đó là chuyện của tương lai. Hiện tại vợ chồng không thể gồng gánh thêm được nữa”.

Ngân hàng hạ lãi suất cho vay, doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận vốn

Bài viết mới