Chuyện gì đang xảy ra ở ngân hàng hàng đầu nước Mỹ: Lợi nhuận giảm một nửa, kế hoạch tham vọng không thành, liên tiếp gặp bê bối

TIN MỚI

Vô số rắc rối

Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ Goldman Sachs vẫn luôn được coi là một trường hợp xuất chúng. Khi bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn New York năm 1999, ngân hàng này tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm phải biến mọi thứ trong tay trở nên xuất sắc”. Thậm chí còn tồn tại thuyết âm mưu rằng với Goldman Sachs đang bí mật điều hành thế giới bằng sức mạnh tài chính của mình.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều khiến Goldman trở nên nổi bật lại là những lỗi lầm.

Kể từ tháng 10, Goldman đã gặp vô số rắc rối. Kế hoạch đẩy mạnh ngân hàng tiêu dùng bị đổ bể. Quý IV/2022 có kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ xét theo chỉ số RoE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu). Ngân hàng còn bị Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều tra.

Chưa có rắc rối nào quá nghiêm trọng, nhưng Goldman đang mắc kẹt trong chính cái bóng của mình. Ngân hàng vẫn đang chật vật tìm đường cải cách và làm thế nào để thích nghi với trật tự quyền lực mới trên thị trường tài chính toàn cầu.

Để hiểu về Goldman ngày nay, cần nhìn lại lịch sử. Sau khủng hoảng tài chính 2007-09, 2 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã thực hiện cuộc đại cải tổ. JPMorgan Chase theo đuổi mô hình đại ngân hàng với nhiều mảng kinh doanh đa dạng và đã thành công. Trong khi đó Morgan Stanley xây dựng được mảng quản lý tài sản cho các khách hàng siêu giàu rất mạnh, tạo ra lợi nhuận ổn định và vững chắc.

Tuy nhiên, Goldman lại bị mắc kẹt trong mảng giao dịch tự doanh, tư vấn cho các thương vụ và đầu tư bespoke phục vụ các khách hàng giàu có. Những quy định mới về quản lý vốn khiến những mảng này đem lại ít lợi nhuận hơn, nhưng Goldman đặt cược rằng nếu thắng sẽ có thể vượt xa so với các đối thủ.

Cuối cùng thì Goldman đã thua. Trong nhiều năm, danh mục đầu tư của Goldman có hiệu suất thấp hơn chỉ số S&P 500. Thêm vào đó còn mắc kẹt trong vụ bê bối 1MDB mà trong đó các quan chức Malaysia và Abu Dhabi nhận tổng cộng 1,6 tỷ USD tiền hối lộ từ năm 2009 đến 2014.

Chuyện gì đang xảy ra ở ngân hàng hàng đầu nước Mỹ: Lợi nhuận giảm một nửa, kế hoạch tham vọng không thành, liên tiếp gặp bê bối - Ảnh 1.

Nỗ lực làm mới

CEO hiện tại là David Solomon tiếp quản ngân hàng từ năm 2018. Ông vẫn liên tục cố gắng làm mới hình ảnh của ngân hàng cũng như chính bản thân mình bằng cách mở rộng các mảng kinh doanh cốt lõi và đa dạng hóa sang cả những lĩnh vực mới.

Hiện Goldman cung cấp cả dịch vụ ngân hàng giao dịch (transaction banking) cho các tập đoàn đa quốc gia, giúp họ vận chuyển dòng vốn đi khắp nơi trên thế giới. Mảng quản lý tài sản cũng được sốc lại. Và từ tòa cao ốc ở Manhattan, các lãnh đạo của Goldman đang mơ về 1 ngân hàng số có thể phục vụ tới những khách hàng bình dân nhất, bao gồm cả vận hành thẻ tín dụng.

Một số nỗ lực của Solomon đã đem lại quả ngọt. Thị phần của Goldman trong mảng M&A và giao dịch trái phiếu tăng trưởng tốt, đem về 21 tỷ USD trong năm 2021, khi thị trường bùng nổ. Từ góc nhìn của người nộp thuế, ngân hàng đã trở nên an toàn hơn sau khi tăng vốn và tiền gửi. Quan trọng hơn, cổ phiếu của Goldman đã hồi phục, tăng mạnh hơn so với các đối thủ cùng ngành cũng như thị trường chung.

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn thì Goldman vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Doanh thu từ mảng ngân hàng giao dịch khá nhỏ trong khi mảng quản lý tài sản thường bị kéo lùi bởi những giao dịch riêng tư không minh bạch. Giấc mơ về ngân hàng tiêu dùng chưa thể trở thành sự thực. Goldman có 15 triệu khách hàng, nhưng đang phải chịu lỗ lớn và tỷ lệ nợ xấu cao. Đó cũng là lý do khiến ngân hàng quyết định co hẹp lại.

Do đó phần quan trọng nhất đối với Goldman vẫn là các hoạt động kinh doanh truyền thống. Lợi nhuận của mảng giao dịch tự doanh đã cải thiện nhưng vẫn biến động mạnh. Về tổng thể Goldman đã sử dụng hợp lý các tài nguyên, tạo ra tỷ lệ RoE trên 14% trong nhiệm kỳ của Solomon. Tuy nhiên Goldman đang bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Hiện các nhà đầu tư đang nghi ngờ về việc ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận cao hay tìm thấy những “mỏ vàng” mới.

Những cơn gió ngược

Các lãnh đạo của Goldman khẳng định đang sử dụng tiền bạc thận trọng hơn, nhưng năm ngoái tổng cộng ngân hàng đã chi 15 tỷ USD cho lương thưởng, mức cao thứ hai kể từ khủng hoảng tài chính đến nay bất chấp lợi nhuận giảm một nửa.

Trong 1 thị trường mà người chiến thắng sẽ có được tất cả như ngân hàng điện tử, cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Goldman nghĩ rằng có trí tuệ và thương hiệu là đủ. Nhưng điều đó không đúng. Hãng đã đốt hàng tỷ USD nhưng mới chỉ có được lượng khách hàng rất khiêm tốn nếu so với PayPal hay Amazon.

PMorgan tiếp cận được 66 triệu hộ gia đình Mỹ nhưng vẫn duy trì mạng lưới chi nhánh vật lý dày đặc. Goldman cũng đã mở rộng được tệp khách hàng dùng thẻ tín dụng bằng cách hợp tác với Apple, nhưng trong mối quan hệ đó rõ ràng Apple ở cửa trên.

Ngoài những yếu tố chủ quan, Goldman nói riêng và các ngân hàng trên phố Wall nói chung đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hiện tượng toàn cầu hóa thoái trào. Trong 1 thập kỷ sau khi Goldman lên sàn, doanh thu từ các thị trường nước ngoài đóng góp tới một nửa đà tăng trưởng nhờ thống trị châu Âu và sau đó là châu Á. Ngày nay tỷ trọng giảm xuống còn 1/3, Goldman đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nội địa và một số nước còn không chào đón những ngân hàng ngoại.

Liệu Goldman có thể trở lại thời hoàng kim hay không? Solomon đang sa thải nhân viên một cách khôn ngoan và thu hẹp những khoản đầu tư ngoài các mảng cốt lõi. Nhưng có lẽ rất khó để cải cách những doanh nghiệp tài chính thuộc hàng tinh hoa vốn vẫn được coi là thông minh hơn người khác. Nét văn hóa tự tin của Goldman nên đổi thành “tự phê bình”. Đối với những bậc thầy tài chính, có lẽ đây là cú nhảy vọt khó nhất mà họ phải vượt qua.

Tham khảo The Economist

Vụ chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng biến mất: Giới tài chính Trung Quốc như ‘ngồi trên đống lửa’, lo đợt siết chặt kiểm soát 2 năm trước lặp lại

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới