Giải bài toán tắc nghẽn thanh khoản trái phiếu, Egroup của Shark Thuỷ đổi nợ sang bất động sản

Vừa qua, Tập đoàn Egroup – công ty mẹ của Apax Holdings đã tổ chức hội nghị tái cấu trúc nợ bằng bất động sản với sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư.

Phối cảnh dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng (Hà Tĩnh) của Egroup.

Các nhà đầu tư tham gia hội nghị này kỳ vọng với sẽ tìm được cơ hội thu hồi khoản vốn đã hùn vào hệ sinh thái của Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn được biết đến với tên gọi Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT.

Theo đó, lãnh đạo Egroup cho biết sẽ chọn ra hai dự án bất động sản với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.

Theo đó, một dự án tại Thanh Hóa đang có 75 lô đất, diện tích từ 100–194m2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng. Đất có sổ đỏ, gom đủ 10 sổ sang tên luôn.

Một dự án bất động sản khác gồm 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội. Số bất động sản này gắn với dự án có sân golf 36 lỗ liền kề, được giới thiệu là đẹp top ba Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội một giờ xe. Dự án này áp dụng cho các nhà đầu tư có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng, vào thêm 6,5 tỷ đồng hoặc hơn tùy giá trị từng căn. Nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng của dự án này có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi.

Tại hội nghị, lãnh đạo Egroup kêu gọi các nhà đầu tư đồng lòng cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bằng tài sản thay vì bằng tiền mặt là đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.

Egroup là công ty mẹ của Apax Holdings, nằm trong hệ sinh thái gắn với cái tên Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn được biết đến với tên gọi “Shark Thủy”), gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, trong đó có giáo dục, bất động sản. Hệ sinh thái của Shark Thuỷ từng huy động vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức như TPDN, hợp đồng hợp tác đầu tư…

Gần đây, nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn về dòng tiền và đối mặt với các khoản nợ quá hạn. Một số trung tâm tiếng Anh gắn thương hiệu Apax Leaders không thể hoạt động. Nhiều chủ nợ, trái chủ bức xúc đòi có phương án giải quyết lợi ích.

Hiện Egroup cũng như Apax Holdings chưa công bố thông tin chính thức về các phương án hoán đổi nợ sang đất này.

Tuy nhiên, phương án đổi nợ sang đất có thể là hướng giải quyết các khoản nợ sẽ được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh mất thanh khoản. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Tập đoàn Alpha Seven cũng đàm phán với trái chủ thanh toán bằng cổ phần; Novaland đàm phán trả gốc và lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

Bài viết mới