Bạc Liêu muốn xây cao tốc 22.700 tỉ đồng kết nối Kiên Giang

Dự án xây dựng tuyến đường Bạc Liêu – Hà Tiên (Kiên Giang) có chiều dài toàn tuyến khoảng 58km, tiếp nối cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá, đi qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đến đê biển Bạc Liêu.

Bạc Liêu đề xuất xây cao tốc 58km kết nối tuyến Hà Tiên – Rạch Giá ra đê biển Bạc Liêu (hình minh họa)

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về phương án đầu tư cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu.

Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 58km, điểm đầu tại nút giao IC7 (giao cao tốc Cần Thơ – Cà Mau), điểm cuối tại đê biển Bạc Liêu. Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bạc Liêu dài 36km, còn lại đi qua tỉnh Hậu Giang (7km) và Sóc Trăng (15km).

Tuyến đường cắt 6 tuyến đường: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Quản Lộ – Phụng Hiệp, ĐT 937B, quốc lộ 1, đường ven biển và đường ven biển Đông.

Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023-2030, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, dự án kiến nghị đầu tư quy mô 4 làn, không có làn khẩn cấp, vận tốc tối đa 90 km/h, với tổng chi phí hơn 16.300 tỉ đồng. Đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thêm 2 làn khẩn cấp, vận tốc lên tới 100 km/h, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 22.737 tỉ đồng.

Bạc Liêu đề xuất đầu tư dự án theo phương thức PPP (đối tác công – tư). Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn một. Tỉnh đề xuất UBND các địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần đoạn cao tốc đi qua.

UBND Kiên Giang cũng đề xuất làm cao tốc Rạch Giá – Hà Tiên, dài hơn 86 km, với kinh phí 25.600 tỉ đồng. Tương lai khi hai tuyến hoàn thành sẽ là trục cao tốc dọc phía Đông và phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu khi hình thành góp phần nâng cao năng lực khai thác của tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, liên kết giao thông với các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tuyến còn góp phần giảm áp lực cho quốc lộ 1, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực miền Tây.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; phát huy thế mạnh giao thông thủy. Cùng với hệ thống cao tốc, vùng sẽ có 4 sân bay; 13 cảng biển; 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng đường thủy nội địa.

Bài viết mới