Trong các “chủ nợ” lớn của hệ sinh thái Novaland (NVL), MBBank là ngân hàng có dư nợ lớn nhất. Dư nợ của Novaland tại MBBbank tính tới thời điểm hiện tại gần 12 nghìn tỷ đồng chiếm 2,6% tổng dư nợ của MBBank.
Ảnh minh hoạ.
Nhận định về sức khoẻ tài chính của Novaland (NVL) trong thời gian tới, Công ty Cổ phần FIDT cho biết, tính đến ngày 23/2/2023, tổng dư nợ tín dụng và trái phiếu của nhóm Novaland (NVL) ước ở mức 57,6 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn 26,7 nghìn tỷ và dài hạn 30,9 nghìn tỷ đồng.
Theo FIDT, dựa theo kết quả kinh doanh của 27 ngân hàng niêm yết thì khoản dự phòng tăng thêm chotrường hợp NVL có thể tương đương 1,5 quý chi phí trích lập dự phòng và gần tương đương 1quý lợi nhuận của 27 ngân hàng.
Trong đó, dư nợ của NVL tập trung chủ yếu vào một số ngân hàng (MBBank, VPBank, PVcomBank) chứ không phân bổ đều trong hệ thống. Do đó, mức độ ảnh hưởng từng ngân hàng là khác nhau.
Trong các “chủ nợ” lớn của hệ sinh thái NVL, MBBank là ngân hàng có dư nợ lớn nhất. Dư nợ của Novaland tại MBBbank tính tới thời điểm hiện tại gần 12 nghìn tỷ đồng chiếm 2,6% tổng dư nợ của MBBank.
FIDT dự phóng, trong năm 2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MBBabnk sẽ ở mức 12 nghìn tỷ đồng (+50% so với năm trước) do (1) khả năng thanh toán của khách hàng chậm trong tình hình kinh tế như hiện nay (2) các vấn đề về thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trích lập cho trường hợp NVL vỡ nợ).
Ngoài kịch bản cơ sở với trích lập gia tăng mạnh 50%, FIDT xây dựng 2 kịch
bản cho MBBank liên quan NVL. Đó là (1) MBBank sẽ chỉ phải trích lập dự phòng cho các khoản vay đến hạn trong năm 2023 tương ứng với 2,88 nghìn tỷ đồng (2) trường hợp xấu hơn MBBank sẽ phải trích lập dự phòng cho toàn bộ dư nợ của NVL.
Đối với ngành ngân hàng, FIDT nhận định, việc Novaland mất khả năng thanh toán nợ sẽ dẫn đến vấn đề suy giảm chất lượng nợ trong hệ thống ngân hàng dẫn đến các ngân hàng liên quan phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Do đó kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng nhiều khả năng sẽ suy giảm trong năm 2023.
Ngân hàng là ngành đóng góp lớn nhất vào vốn hóa của thị trường chứng khoán, nếu kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng suy giảm và quan ngại của nhà đầu tư về vấn đề rủi ro hệ thống từ sự việc của Novaland sẽ ảnh hưởng lớn và tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, các khoản cho vay thế chấp mua bất động sản liên quan đến chủ đầu tư mất khả năng thanh toán/hết thời gian ân hạn cũng là rủi ro lớn về suy giảm chất lượng nợ, theo FIDT.
Cập nhật diễn biến tài chính tại Novaland cho thấy, tập đoàn này vừa hoán đổi cổ phần tại 2 công ty thành viên cho đối tác ngoại để hủy các lô trái phiếu trị giá nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn tối 24/2 phát đi thông báo giao dịch hoán đổi thành công một số lô trái phiếu trị giá nghìn tỷ với đối tác Dallas Vietnam Gamma Ltd.
Theo thông báo, trước đó, vào ngày 1/2/2022 Novaland đã thỏa thuận phát hành cho Dallas Vietnam Gamma một số trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi và chứng quyền mua cổ phần phổ thông của công ty.
Tuy nhiên, vừa qua, Novaland đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với đối tác Dallas Vietnam Gamma việc giảm số lượng trái phiếu và chứng quyền đang lưu hành thông qua một thỏa thuận hoán đổi.
Theo thỏa thuận này, Dallas Vietnam Gamma Ltd. sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần (phần vốn hoán đổi) trong hai công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng. Các biện pháp bảo đảm liên quan đến trái phiếu và chứng quyền được hủy bỏ sẽ được giải chấp hoàn toàn.
Đồng thời, công ty có quyền chia sẻ một số lợi ích từ phần vốn hoán đổi và được quyền chọn mua lại phần vốn hoán đổi khi điều kiện tài chính của công ty cho phép.
Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực ban đầu của Novaland trong hoạt động cơ cấu nợ trái phiếu đến hạn.