TIN MỚI
Manchester United đang ở thời kỳ hoàng kim trên sân cỏ dưới thời huấn luyện viên mới, Erik ten Hag. Tuy nhiên, chủ sở hữu của CLB này, nhà Glazer, lại đang rao bán với mức giá từ 6-7 tỷ USD, bao gồm cả khoản nợ có thể là cao kỷ lục với một CLB thể thao.
Cho đến nay, chỉ có 2 “ông lớn” đã gửi đề xuất mua lại “quỷ đỏ”. Tuy nhiên, theo Financial Times, mức định giá trên khó có thể được chứng minh bởi bất kỳ thước đo tài chính thông thường nào. Trong khi đó, tính toán của FT cho thấy Man Utd chỉ có trị giá khoảng 1,6 tỷ USD và thậm chí mức định giá hiện tại là 4,5 tỷ USD sẽ cần mức tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận cao hơn để đạt được.
Những ứng viên tiềm năng của thương vụ mới
2 anh em Joel và Avram, 2 trong số 6 người con của “đại gia” Malcolm Glazer, đã thông báo vào cuối tháng 11 rằng họ sẽ tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài và có thể sẽ bán toàn bộ MU. 6 người của nhà Glazer kiểm soát hơn 95% của CLB, chỉ sở hữu 2/3 quyền kinh tế (economic right) trong MU nhưng họ có quyền biểu quyết gấp 10 lần. Do đó, không cổ đông nào có thể phản đối quyết định bán lại MU của gia đình này.
Jassim bin Hamad al-Thani và Jim Ratcliffe.
Raine Group – ngân hàng thương mại đã xử lý giao dịch của Chelsea, đã được nhà Glazer lựa chọn để thực hiện quy trình đấu thầu với MU. 2 bên mua tiềm năng mới đây được công khai danh tính là: Sir Jim Ratcliffe, một trong những người giàu nhất nước Anh và fan hâm mộ lâu năm của “quỷ đỏ”, và Jassim bin Hamad al-Thani – hiện là chủ tịch của QIB (Ngân hàng Hồi giáo Qatar) và cũng là fan trung thành của MU.
Hiện tại, Hoàng gia Qatar đã sở hữu CLB Paris Saint-Germain thông qua Qatar Sports Investments. UEFA – cơ quan quản lý bóng đá châu Á, lại ra lệnh cấm các CLB thuộc sở hữu của cùng một tổ chức thi đấu với nhau. Tuy nhiên, UEFA lại chấp nhận một trường hợp ngoại lệ đó là các CLB thuộc sở hữu của Red Bull từng đối đầu tại giải Europa League năm 2018.
Trong khi đó, Ratcliffe – người được Goldman Sachs và JPMorgan làm cố vấn, đã đưa ra lời đề nghị với thái độ thân thiện, trong khi al-Thani lại muốn tiếp quản MU nhưng không đi kèm với các khoản nợ.
Ngoài ra, cũng có thể, một nhà đầu tư khác đang sẽ cổ phần thiểu số hoặc cung cấp tài chính để hỗ trợ quyền sở hữu của Glazer. Đó là Elliot Management, quỹ phòng hộ của Mỹ, đã đưa ra gợi ý hỗ trợ tài chính cho đội bóng, cùng các công ty tài chính lớn khác như MSD Partners và Oaktree Capital.
MU cần đầu tư nhiều hơn
Từ lâu, các fan hâm mộ của “quỷ đỏ” đã không hài lòng về khoản nợ quá lớn của CLB, với sự quản lý yếu kém của nhà Glazer. Tuy nhiên, thương vụ này còn có nhiều yếu tố khác cần khám phá, theo FT.
Old Trafford vẫn là SVĐ lớn nhất ở Premier League với sức chứa 77.000 người nhưng không còn là nơi có cơ sở vật chất hiện đại nhất. Các sân của Man City, Arsernal và Tottenham đều đã mở rộng sức chứa và cải thiện cơ sở vật chất trong 15 năm qua.
Nhiều ước tính cho thấy chi phí để tân trang lại Old Trafford và khu đào tạo Carrington của CLB này có thể lên tới 1,5 tỷ bảng Anh. Những đánh giá từ ước tính dòng tiền của MU lại không xét đến khoản đầu tư lớn đến như vậy. Trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất, CLB thông báo hoãn chi trả cổ tức để “bảo toàn dòng tiền”. Một điểm sáng đó là MU sở hữu khu đất lớn xung quanh sân vận động, mang lại tiềm năng phát triển đáng kể cho chủ sở hữu mới.
Doanh thu từ thương mại của MU đang ở mức thấp (triệu euro).
Tăng trưởng doanh thu trì trệ
Premier League là giải đấu “lãi lớn” nhất ở châu Âu, các CLB tham gia giải này chiếm hơn 1 nửa số CLB giàu có nhất châu lục và mức chi tiêu của họ cho mỗi lần chuyển nhượng cầu thủ thường lớn hơn nhiều so với các giải khác. Trong số các giải đấu toàn cầu, chỉ có National Football League của Mỹ vượt mức doanh thu hàng năm ước tính là 7 tỷ USD.
Trong mùa giải 2016-2017, MU đứng đầu về doanh thu. Nhưng sau hơn 1 thập kỷ mở rộng nhanh chóng, các khoản tiền từ bản quyền phát sóng – nguồn doanh thu lớn nhất của MU, và lợi nhuận thương mại từ các hợp đồng tài trợ vẫn chững lại.
Doanh thu và khoản tiền chi trả lương của MU so với các CLB lớn khác.
Một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch, khiến doanh thu bán vé thi đấu trực tiếp và lợi nhuận từ việc phát song trong 2 mùa giải liên tiếp tụt dốc. Tuy nhiên, MU cũng không đủ điều kiện tham dự giải đấu lớn khác là Champions League vào năm 2016 và 2019.
Theo dữ liệu của Deloitte, doanh thu hàng năm của MU là 688 triệu euro, cao hơn mức trung bình 462 triệu euro của các CLB hàng đầu châu Âu trong mùa giải kết thúc vào năm 2022. Ngoài ra, tình hình tài chính của “quỷ đỏ” cũng khá ổn định, doanh thu vẫn vượt qua các CLB khác ngoại trừ Man City, Real Madrid và Liverpool.
Song, chi phí hoạt động – chủ yếu là tiền lương trả cho các cầu thủ, của MU tiếp tục tăng. Dù là 1 trong những CLB có tỷ lệ lương/doanh thu thấp nhất ở Premier League là 66%, nhưng “quỷ đỏ” vẫn ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3 năm liên tiếp tính đến tháng 6/2022. Do đó, có thể thấy lý do tại sao nhà Glazer lại muốn huy động thêm vốn từ bên ngoài hoặc bán MU.
Nợ ròng cũng bắt đầu tăng trở lại trong những năm gần đây. Hầu như toàn bộ các khoản nợ đều được tính bằng đồng USD, trong khi phần lớn doanh thu của MU lại tạo ra bằng đồng bảng Anh. Trong khi đó, bảng Anh đã giảm 15% so với đồng bạc xanh kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 6/2021.
Vậy thực sự MU đáng giá bao nhiêu?
Việc định giá đội bóng nổi tiếng này và thương hiệu MU không giống thông thường. Cổ phiếu niêm yết tại New York của CLB này cho thấy kỳ vọng của thị trường, với giá trị doanh nghiệp là 4,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức giá mà nhà Glazer rao bán.
FT trích dẫn số liệu từ S&P Capital IQ, MU hiện đang giao dịch cao gấp khoảng 28 lần so với EBITDA ước tính đến tháng 6/2023, gần mức cao nhất trong phạm vi 10 năm. Trong khi đó, các Juventus chỉ là 7 lần và Borussia Dortmund là 4 lần.
Ngoài ra, FT cũng xét đến dòng tiền chiết khấu (DCF) và đưa ra mức định giá chỉ khoảng 1,6 tỷ USD. Còn ở khía cạnh dòng tiền sau thuế, MU gần như không thể đạt được mức vốn hoá hiện tại. Ngay cả khi xét đến các con số trước thuế, để đạt giá trị doanh nghiệp hiện có thì MU cần mức tăng trưởng doanh thu gộp hàng năm là 17% trong 1 thập kỷ trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ. Dòng tiền tự do cần tăng trưởng với tốc độ 38% trong 1 năm, tức là rất lớn với một doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm.
Doanh thu và khoản tiền chi trả lương của một số CLB trong EPL.
Việc so sánh doanh thu của MU với các CLB khác có thể là thước đo dễ thực hiện nhất. Theo dữ liệu của Deloitte, giá trị thương vụ của Chelsea năm ngoái cao gấp khoảng 5 lần doanh thu của mùa giải trước. Quỹ đầu tư Red Bird đã trả Elliot Management với mức giá cao hơn 4,5 lần doanh thu của AC Milan để mua lại CLB này vào năm ngoái. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng bội số trên doanh thu như trên, thì doanh thu ước tính của MU cho mùa giải kết thúc vào năm 2026 cũng chỉ đưa định giá lên 4,3 tỷ USD.
Trong khi đó, giá cổ phiếu MU tăng 3/4 kể từ khi nhà Glazer cân nhắc việc rao bán và giúp vốn hoá cao hơn gấp 6 lần doanh thu hàng năm. Những người lạc quan thì tin rằng con số này còn chưa tính đến số lượng người hâm mộ lớn trên toàn cầu. Chỉ riêng mạng xã hội của MU đã có 213 triệu người theo dõi, nhưng các “ông chủ” hiện tại vẫn gặp khó khăn trong việc kiếm thêm tiền từ fan hâm mộ và đã thông báo tăng giá vé của các mùa giải lần đầu tiên trong 11 năm.
Dan Plumley – giảng viên ngành tài chính thể thao tại Đại học Sheffield Hallam University, vẫn nhận thấy giá trị thương hiệu của MU là không dưới 4 tỷ USD, nhờ số lượng fan hâm mộ đông đảo và tiềm năng cho các nguồn thu doanh thu kỹ thuật số mới. Ông cho rằng giá bán MU cũng phải cao hơn mức đó do sự độc đáo của loại tài sản này.
Tham khảo Financial Times
Chân dung người đàn ông quyền lực nhất nhì Phố Wall: Được mệnh danh là ‘ông hoàng’ ngành quỹ phòng hộ, giúp khách hàng lãi 16 tỷ USD vào năm ngoái
Chi Lan
Nhịp sống thị trường