Cần làm gì để “giải cứu” thị trường bất động sản?

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS, để thị trường bất động sản không đổ vỡ và giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân, Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng cơ chế cho thị trường bất động sản theo ba nhóm đối tượng.

Ảnh minh hoạ

Thứ nhất là cơ chế, chính sách.

Ông Đính cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình sửa luật để ổn định phát triển dài hạn. Tổ công tác sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định mới để xử lý vướng mắc của những nghị định cũ, đang tạo rào cản phát triển của thị trường.

Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy rất cần có chính sách mạnh hơn để thúc đẩy nhằm tạo sản phẩm phù hợp thị trường, kích thích giao dịch, khởi động guồng quay sản xuất kinh doanh cho cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách khuyến khích, kích thích phát triển nhà thương mại có mức giá phù hợp, để vừa kích thích sản xuất kinh doanh, vừa tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Cũng theo ông Đính, Luật đất đai hiện vẫn còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế phát triển, rất cần phải lấy ý kiến công khai và rộng rãi.

“Cần xác định rõ quan điểm, chỉ phê duyệt khi thực sự giải quyết được hết tất cả các vướng mắc. Không nên chỉ phê duyệt cho xong”, ông Đính nhấn mạnh.

Thứ hai là chính sách nguồn vốn cho phát triển thị trường bất động sản.

Chủ tịch VARS cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế. Trong đó có hoạt động phát triển bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.

Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền. Hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid. Trường hợp doanh nghiệp bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại. Không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ.

Ngoài ra, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để Ngân hàng thương mại thực hiện được, rất cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất.

Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành mà doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn và chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền trái phiếu phát hành đúng mục đích.

Xem xét cấp vốn để phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới có thể đáp ứng “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Về nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ cần sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65 để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả. Nên kéo dài thời hiệu thực thi Nghị định 65 đến năm 2025.

Bên cạnh đó, có chính sách phát triển các kênh dẫn vốn mới như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), chứng khoán hóa bất động sản, Quỹ nhà ở…

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ để người dân có nhu cầu vay mua nhà để ở dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn. Đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp, công nhân, người lao động.

Cuối cùng là đối với các dự án bất động sản.

Theo ông Đính, đối với các doanh nghiệp đang có nhiều dự án gặp khó khăn, nên xác lập lại chiến lược kinh doanh và cấu trúc lại các phân khúc sản phẩm của dự án theo hướng “Tăng phân khúc sản phẩm giá rẻ” để dễ hấp thụ và sớm có dòng tiền.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường để được hưởng các cơ chế hỗ trợ và dễ được phê duyệt hơn. Rà soát lại danh mục dự án, giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được. Đồng thời chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không đủ nguồn lực triển khai.

Bài viết mới