Nóng trong tuần: Ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Bình Dương công bố các khu vực được phép phân lô bán nền; Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp; Kiến nghị “sống còn” của doanh nghiệp bất động sản gửi tới Chính phủ; Hàng nghìn tỉ của các doanh nghiệp bất động sản đang “chôn” ở đâu… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trừ các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.

Đối với các khu vực khác ngoài các khu vực được nêu trong Quyết định này do UBND tỉnh quyết định từng trường hợp cụ thể theo quy định. Quy định này có hiệu lực từ ngày 10/2/2023, các dự án được phê duyệt trước thời điểm này sẽ không nằm trong diện đối tượng áp dụng.

Từ ngày 10/2, MBBank cho biết, khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1% một năm. Khách hàng doanh nghiệp cần hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo với MB. Ngoài ưu đãi lãi suất vay, các doanh nghiệp còn được nhận nhiều ưu đãi khi mở tài khoản BIZ MBBank như: tặng tài khoản số đẹp lên đến 300 triệu đồng, hoàn tiền 300.000 đồng khi mở mới tài khoản thành công. Khách hàng cũng được ưu đãi khi chuyển tiền quốc tế, chuyển lương theo lô cùng các gói giải pháp số tài chính kế toán từ đối tác của MB.

Về phía VietinBank, ngân hàng cho biết, nền kinh tế vĩ mô năm 2023 tiếp tục được các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều thách thức. Đồng hành với doanh nghiệp SME, VietinBank triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, hàng tồn kho của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Vinhomes, DIC Corp, Đất Xanh Group, Khang Điền,… đều tăng mạnh, chủ yếu từ các dự án xây dựng dở dang.

Dẫn đầu danh sách là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland). Sau thời gian đẩy mạnh đầu tư các dự án quy mô hàng nghìn hécta với số tiền đầu tư lớn, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên đến 134.485 tỉ đồng, tăng hơn 24.000 tỉ đồng so với năm trước. Trong đó, quỹ đất và dự án đang xây dựng chiếm 91%, tương đương gần 122.559 tỉ đồng. Phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, điều 25, điều 26 dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã không còn sử dụng các khái niệm gây tranh cãi như “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” hoặc “gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư” như trong các dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) trước đây.

Tuy nhiên, trong các điều nói trên lại thay thế bằng các quy định về “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” hoặc “UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý” hoặc “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu”.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo phản ánh của một số tổ chức, cá nhân, hiện nay công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, lâm nghiệp, giao thông,… trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa chặt chẽ.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và các lĩnh vực nêu trên nói riêng trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra thực tế, rà soát công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; quản lý đất đai; việc hình thành các khu dân cư, phân lô bán nền không đúng quy định; việc đấu nối đường giao thông vào quốc lộ, cao tốc.

GS. TS Hoàng Văn Cường đưa ra giải pháp ngân hàng kiểm soát không cho vay mua BĐS núp bóng tiêu dùng dân cư đối với các BĐS không phải là nhà ở thu nhập thấp, để buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán, thu hút những người có sẵn tiền mua chờ tăng giá; ngân hàng không tài trợ vốn cho các hành vi mua BĐS đầu cơ.

Trái lại, hiện nay, thị trường BĐS đình trệ nhưng giá các loại BĐS có thể đưa vào sử dụng ngay như căn hộ chung cư giá vẫn tăng, và trên thị trường không có hàng bán do lượng cung ở hầu khắp các phân khúc đều sụt giảm mạnh, như báo cáo của Bộ Xây dựng, giảm 50%, thậm chí có phân khúc gần bằng 0. Như vậy, thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung BĐS nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có, thị trường BĐS công nghiệp vẫn phát triển tốt, các luồng thu hút đầu tư đang tăng, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mở rộng nên dự báo cầu BĐS sẽ sớm phục hồi và tăng nhanh.

Trong văn bản gửi tới Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng năm 2023 có tính quyết định “sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Xác định vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn là hai nút thắt chính của thị trường bất động sản hiện nay, HoREA kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.Theo Hiệp hội, trong thời gian 17 tháng tới chờ các Luật mới có hiệu lực và trên cơ sở các Luật hiện hành, để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định trong tháng 02 hoặc đầu tháng 03/2023.

Bài viết mới