Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Bình Phước xin hỗ trợ 5.800 tỉ đồng ngân sách

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành kết nối Bình Phước với Đắk Nông có tổng kinh phí nhu cầu khoảng 26.000 tỉ đồng. Trong đó 16.000 tỉ đồng do nhà đầu tư huy động, 2 địa phương chỉ tham gia được khoảng 4.000 tỉ đồng nên cần ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 5.800 tỉ đồng.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành kết nối Bình Phước với Đắk Nông (hình minh họa)

UBND tỉnh Bình Phước vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Cụ thể, tổng chiều dài thi công tuyến đường khoảng 130 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101 km (gồm 2 km đường dẫn từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa).

Tuyến đường xuất phát từ nút giao với QL14 tại tỉnh Đắk Nông và kết thúc tại xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư:

Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường là 19m, cứ khoảng 2 – 2,5 km bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp theo quy định.

Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25m.

Thep phương án trên, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước khoảng 25.571 tỉ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 4.640 tỉ đồng; Chi phí xây dựng khoảng 15.063 tỉ đồng; còn lại là các chi phí khác và lãi vay trong thời gian thi công.

Về kế hoạch phân bổ nguồn vốn, dự kiến ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.800 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ khoảng 38%. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 16.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ khoảng 62%.

Đáng chú ý, về phần vốn ngân sách nhà nước, 2 địa phương chỉ huy động được khoảng 4.000 tỉ đồng (Đắk Nông là 1.000 tỉ đồng; Bình Phước là 3.000 tỉ đồng). như vậy còn thiếu khoảng 5.800 tỉ đồng. Để đảm bảo tính khả thi, tăng tính hấp dẫn kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét bố trí số vốn còn thiếu từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để hỗ trợ cho dự án này.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xin phép được áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự như các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025.

Bài viết mới