Giá vàng hôm nay 11-2: Tiếp đà giảm giá

Phiên cuối tuần, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm giá, đồng USD tăng nhẹ do các nhà đầu tư vẫn lo ngại rủi ro trước dữ liệu lạm phát của Mỹ vào tuần tới.

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay biến động trái chiều. Trong khi vàng giao ngay tăng 3,8 USD lên mức 1.865,5 USD/ounce, vàng tương giảm 4 USD xuống còn 1.874,5 USD/ ounce. Kim loại quý thế giới trong tuần này vẫn chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD khi thị trường bắt đầu định giá lại hành động chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau các phát biểu gần đây của Chủ tịch Jerome Powell.

Giá vàng trong nước rạng sáng nay tiếp đà giảm nhẹ. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,32 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,25 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội nhưng bán ra cao hơn 50.000 đồng. Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng Vietinbank Gold đang thu mua mức 66,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,32 triệu đồng/lượng.

Đồng USD tăng vào phiên giao dịch cuối tuần, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng, báo cáo lạm phát của Mỹ vào tuần tới có thể cho thấy một con số cao hơn dự báo của thị trường, trong bối cảnh kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,36%, đạt mốc 103,58.

Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 10-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên ở mức: 23.626 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 23.450 đồng – 24.780 đồng.

Giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm 200 – 400 đồng/lít xăng, dầu giảm khoảng 1.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh hôm nay (11/2). Mức giảm này chưa bao gồm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các khoản phí khác. Theo dữ liệu từ Oilprice, đầu giờ sáng nay (11/2), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 86,28 USD/thùng, tăng 1,78 USD, tương đương 2,11% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 79,64 USD/thùng, tăng 1,58 USD, tương đương 2,02% so với phiên liền trước.

Ở kỳ điều hành gần nhất, liên bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ 18h ngày 30/1 theo hướng tăng giá đồng loạt các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 tăng 990 đồng/lít lên 23.140 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 970 đồng/lít lên 22.320 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên 22.520 đồng/lít. Dầu hỏa là 22.570 đồng, tăng 770 đồng và dầu mazut là 13.930 đồng/kg, tăng thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.

Giá Bitcoin trên sàn Coindesk, lúc 12h ngày 10/2, đồng Bitcoin được giao dịch ở mức 21.901 USD, giảm đến 4,57% so với 24 giờ qua. Bitcoin giảm mạnh khiến các tiền ảo vốn hoá nhỏ hơn cũng tiếp đà lao dốc. Cụ thể, Ethereum giảm 6%, BNB giảm 6,5%, Ripple giảm 3,4%, Cardano giảm 8,2%, Dogecoin giảm 9,4%…

Còn trên công cụ theo dõi Binance, các đồng tiền ảo khác như Ethereum giảm 4,78%, ở mức giá 1.546 USD; BNB giảm 5,95%, ở mức giá 306,8 USD; XRP giảm 1,83%, có giá 0,38 USD; Dogecoin giảm 6,26%, ở mức 0,08 USD… Với sự biến động thất thường và có xu hướng tiếp tục suy giảm của Bitcoin, không chỉ các nhà đầu tư mà nhiều sàn giao dịch cũng bắt đầu lao đao.

Bài viết mới