Tiếp tục thanh tra, xử lý vi phạm kinh doanh bất động sản tại TP.HCM

Tại cuộc họp báo chiều 9/2, trả lời câu hỏi của VietNamNet về đánh giá tình hình thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua, khi mới đây Hiệp hội Bất động sản TP lo ngại “chết trên đống tài sản”, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, ngày 27/1/2023, TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản thành phố.

Theo đó, trong năm 2022, thành phố có 23 dự án đã được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, sản phẩm hình thành trong tương lai với tổng số căn hộ là 13.086 căn nhà.

Đại diện Sở Xây dựng cho hay, thị trường bất động sản năm qua phát triển nhưng chưa ổn định, cơ cấu nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối. Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng, tăng lãi suất huy động vốn, vấn đề về phát hành trái phiếu, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Ông Dũng dự báo, thị trường bất động sản năm 2023 tiếp tục khó khăn, cần có sự điều chỉnh để giải quyết lệch pha cung cầu, hiện nay, thị trường đang lệch về phía phân khúc bất động sản trung cấp. 


Ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM). (Ảnh: Thành Nhân)

Về giải pháp trong năm nay, nhà chức trách thành phố sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở; ban hành quy trình, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cụ thể nhằm tạo sự minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các Sở, ngành trong quy hoạch, xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng rà soát các dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, chủ đầu tư chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất cho người dân.

Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, TP.HCM sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong đầu tư kinh doanh bất động sản. Cụ thể, các dự án bất động sản vi phạm về xây dựng; dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng; kiểm soát các sàn giao dịch bất động sản kinh doanh nhà ở để tăng tính công khai minh bạch của thị trường.

“Thành phố vẫn đang phối hợp với Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập tháng 11/2022. Chúng tôi rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các dự bất động sản trên địa bàn”, ông nói.

Trước đó, trong văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không lo được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão. 

HoREA nhận thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn, đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.


Thống đốc: Kiểm tra việc cho vay tập đoàn, dự án sân sau; ưu tiên vốn cho nhà ở giá rẻSáng nay, 08/02/2023, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản. Hội nghị do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì, đại diện Bộ Xây dựng, các ngân hàng, cùng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tham dự.

Bài viết mới