Có gì trong nội dung họp chiều nay của NHNN về tín dụng bất động sản?

TIN MỚI

Chiều nay ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình cho vay bất động sản. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú là người chủ trì cuộc họp này.

Nhiều đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo thống kê, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Văn phòng cũng tham gia cuộc họp. Ngoài ra còn có Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng và Tổng giám đốc các Tổ chức tín dụng. Trước cuộc họp này, TCTD được yêu cầu chuẩn bị báo cáo về tình hình tín dụng bất động sản và gửi về NHNN.

Theo nguồn tin của chúng tôi, cuộc họp này là họp nội bộ, nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sắp tới.

Trước đó, tại họp báo tổng kết cuối năm 2022 (ngày 27/12/2022) của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã cho biết NHNN sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản, để làm rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp, dự án bất động sản. Từ đó, tìm giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, không để “bong bóng” nhưng cũng không để “đóng băng”.

Là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản. Giải pháp cần cơ quan chức năng, nhưng bản thân các doanh nghiệp, dự án cũng phải có giải pháp.

Trong định hướng tín dụng năm 2023 của NHNN, các TCTD cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là kinh doanh bất động sản, những hoạt động có tính chất đầu cơ, đội giá bất động sản.

Nguồn tin của chúng tôi cũng cho biết sắp tới Bộ xây dựng cũng sẽ có cuộc họp với nội dung tương tự, liên quan đến tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là gần 800.000 tỉ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trước đó, tại buổi gặp mặt nhân dịp đầu Xuân với Ngành Ngân hàng, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo ngành ngân hàng rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

Thủ tướng nhấn mạnh: Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện, Thủ tướng nêu rõ.

PV

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới