Cơ hội cho PGBank nếu Petrolimex thoái vốn

Việc thoái vốn của Petrolimex được đánh giá mở đường cho những cổ đông mới xuất hiện tại PGBank – nhà băng nhiều năm liền phải “chờ tìm đối tác”.

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông qua nghị quyết về phương án thoái vốn tại PGBank – ngân hàng do Petrolimex nắm 40% vốn. Thay vì tìm đối tác chiến lược như những năm trước, Petrolimex sẽ thoái vốn bằng đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Giá khởi điểm sẽ theo mức cao nhất của hai phương án, hoặc 21.300 đồng theo phương án định giá hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên của cổ phiếu PGB trên UPCoM.

PGBank không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém, nợ xấu cũng dưới 3%, hạn chế lớn nhất là sở hữu vượt trần của Petrolimex (40% so với quy định là 15%). Để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định, Petrolimex đã có kế hoạch thoái vốn. Từ năm 2014, các nhà băng đã bắt đầu “dạm ngõ” PGBank nhưng đến nay vẫn không có thương vụ nào được thực hiện.

Việc thay đổi phương án thoái vốn của Petrolimex tại PGBank vừa mở ra cơ hội cho sự xuất hiện của những cổ đông mới, vừa giúp ngân hàng này thoát cảnh đợi chờ tìm đối tác như những năm trước.

Với mỗi lần tìm bên sáp nhập, PGBank và các ngân hàng đều thực hiện định giá để tính toán tỷ lệ hoán đổi cổ phần phù hợp. Trong thời gian chờ thực hiện, PGBank không thể mở rộng quy mô quá nhanh để tránh ảnh hưởng tới báo cáo định giá. Nhiều năm liên tiếp như vậy, quy mô nhà băng này rơi xuống nhóm cuối của bảng xếp hạng.

Đến cuối năm 2022, tổng tài sản nhà băng này đạt gần 49.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu vừa vặn mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ – cũng là mức thấp nhất hệ thống.

Ở thương vụ đầu tiên cùng VietinBank, với vị thế tốt, Petrolimex yêu cầu cao hơn. Thời điểm đó, các thương vụ sáp nhập thường là một nhà băng mạnh “ôm” một nhà băng yếu, hoặc sáp nhập nhiều ngân hàng ở nhóm dưới với nhau. Nhưng thương vụ của PGBank khác biệt hơn, do PGBank không phải ngân hàng yếu. Bởi vậy, điều kiện khi đó là giữ lại thương hiệu này và hoạt động dưới mô hình ngân hàng trong ngân hàng, điều chưa từng có tiền lệ. Vướng mắc về pháp lý, với mục tiêu giữ lại thương hiệu, là một phần lý do “hôn nhân” VietinBank – PGBank thất bại.

Sau VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã từng tìm đến PGBank. Hai bên cho biết đã có quá trình “đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu”, nhưng không có thỏa thuận nào được thông qua.

Sau MB, HDBank xuất hiện. Hai ngân hàng đã đi tới những bước cuối cùng. Theo lộ trình khi đó, hai ngân hàng dự kiến hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2018 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên, các bước trong kế hoạch đã không như dự kiến. Hơn hai năm sau đó, việc sáp nhập vẫn chưa thể hoàn tất.

“6 năm qua, PGBank đã thực hiện phương án sáp nhập với VietinBank, rồi HDBank, nhưng không thành công, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới ngân hàng”, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT PGBank nói với cổ đông trong phiên họp thường niên năm 2021.

Như thương vụ với HDBank, báo cáo Hội đồng quản trị PGBank cho biết, việc sáp nhập kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ. Ngoài ra, nhân viên ngân hàng nghỉ việc cũng tăng do thông tin sáp nhập.

Giữa năm 2021, một số thay đổi về nhân sự tại PGBank cũng đã diễn ra, với sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo cũ của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB). Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đều không nhắc đến vấn đề sáp nhập.

Minh Sơn

Bài viết mới