Trong bối cảnh thị trường gặp thách thức, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải gồng mình cầm cự, tìm cách xoay xở dòng tiền. Bên cạnh kết quả kinh doanh sa sút, khoản nợ phải trả cũng tăng lên.
Doanh nghiệp bất động sản xoay xở nhiều cách để vượt khó. Trong ảnh là dự án của Novaland, huyện Nhà Bè (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong lúc thị trường không thuận lợi, Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã CRE) cho biết quý 4-2022 bị lỗ ròng hơn 57 tỉ đồng, đây cũng là quý đầu tiên ghi nhận lỗ. Tính chung cả năm, doanh nghiệp đạt hơn 3.490 tỉ đồng doanh thu và lãi ròng 197 tỉ đồng, giảm 38% và 57%.
Dù vậy điểm khác biệt là CenLand có vốn chủ sở hữu đạt gần 5.620 tỉ đồng, “bao phủ” được khoản nợ phải trả (2.040 tỉ đồng).
Với kết quả kinh doanh sa sút, ông Chu Hữu Chiến – tổng giám đốc CenLand – lý giải: do thị trường bất động sản trong quý cuối năm vừa qua “vô cùng khó khăn và tiếp tục có nhiều biến động không thuận lợi”, hầu hết các ngân hàng đều siết chặt hơn các điều kiện cho vay mua bất động sản như bổ sung các điều kiện cho vay, kiểm soát chặt về hạn mức cho vay đối với mua bất động sản, tăng cường kiểm soát thị trường trái phiếu, bất động sản.
Mới đây Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính, tổng kết năm 2022 với doanh thu hơn 11.150 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 2.290 tỉ đồng, giảm 25% và 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có góp sức rất lớn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư và thoái vốn công ty con, công ty liên kết.
Tính đến ngày cuối năm, tài sản của doanh nghiệp cán mốc 257.000 tỉ đồng (+28% trong vòng một năm). Tuy nhiên tổng giá trị hàng tồn kho chiếm đến hơn 134.480 tỉ đồng, bao gồm 91% là bất động sản đang xây dựng. Khoản tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp bị giảm hơn 50% xuống còn 8.600 tỉ đồng.
Novaland cũng phải gánh khoản nợ hơn 212.430 tỉ đồng (+28% trong vòng một năm), nhiều gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu.
Thời gian qua mã NVL gây chú ý, khi trong giai đoạn giữa tháng 11 và giữa tháng 12-2022 Novaland đã phải giải trình bốn lần do cổ phiếu giảm sàn. Việc cổ phiếu sụt giảm cũng khiến vốn hóa của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán từ mốc 176.000 tỉ đồng vào đầu năm trước, hiện còn xấp xỉ 27.700 tỉ đồng (-84%).
Trải qua một năm sóng gió, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) mang về hơn 5.580 tỉ đồng doanh thu và hơn 469 tỉ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, giảm 45% và 71% so với cùng kỳ năm liền trước.
Đến ngày chốt báo cáo tài chính, doanh nghiệp có khối tài sản hơn 30.770 tỉ đồng (+9% so với đầu năm). Song lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn bị giảm tới 64% xuống còn hơn 1.100 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này cũng đang có khoản nợ phải trả hơn 16.750 tỉ đồng, tăng 13% trong vòng một năm, cao hơn vốn chủ sở hữu (14.020 tỉ đồng vốn). Dù vậy, trong đó riêng khoản nợ trái phiếu đã giảm 31% xuống còn hơn 2.250 tỉ đồng.
Phía Đất Xanh cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do khó khăn chung của thị trường bất động sản.
Ở Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (ThuDuc House, mã TDH), sau hai năm ròng thua lỗ hàng trăm tỉ đồng, đến năm 2022 doanh nghiệp đã trở lại lãi ròng 13 tỉ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm cuối năm, doanh nghiệp vẫn còn bị lỗ lũy kế tới hơn 670 tỉ đồng. Trong vòng một năm, khối tài sản của doanh nghiệp này bị giảm 22% xuống còn hơn 1.430 tỉ đồng.
Mặc dù có lãi trở lại nhưng điểm đáng chú ý là doanh nghiệp bất động sản này chưa tới 3 tỉ đồng tiền mặt, giảm gần 90% sau một năm. Khoản nợ phải trả của ThuDuc House đã giảm 20% so với đầu năm xuống còn hơn 970 tỉ đồng, song cao hơn gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.
Trong một năm qua nhiều doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản cũng có kết quả kinh doanh đi xuống như Hải Phát Invest (HPX), Phát Đạt (PDR), TTC Land (SCR), Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tân Tạo (ITA), Đầu tư LDG (LDG), DIC Group (DIG)…
“Mùa đông đang đến với thị trường bất động sản” là cụm từ được đội ngũ phân tích của Chứng khoán VNDirect đưa ra cho thị trường bất động sản.
Theo VNDirect, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản trong nước đang bước vào chu kỳ giảm, như việc doanh nghiệp khó tìm được cách đảo nợ do các quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thắt chặt tín dụng, lãi suất vay mua nhà tăng kéo theo nhu cầu mua nhà giảm, nguồn cung mới sụt giảm đến từ trì hoãn quá trình phê duyệt dự án do chờ Luật đất đai sửa đổi.
Dù vậy tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết hiện đang tốt hơn so với chu kỳ giảm lần trước. Vì vậy kỳ vọng chu kỳ giảm lần này sẽ có ít khốc liệt hơn và thời gian ngắn hơn.