UBND tỉnh Ninh Thuận vừa điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021. Theo đó, tổng diện tích sàn phát triển nhà ở đến năm 2025 đã được điều chỉnh tăng mạnh.
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Cụ thể, đến năm 2025, tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 16.034.770 m2 sàn (tăng thêm khoảng 3.577.346 m2 sàn). Trong đó diện tích sàn nhà ở thương mại sẽ tăng thêm khoảng 704.368 m2 sàn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Thuận phấn đấu phát triển tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 21.473.240 m2 sàn (tăng thêm khoảng 5.438.470 m2 sàn).
UBND tỉnh Ninh Thuận xác định nguồn vốn thực hiện chương trình nhà đến năm 2025 sẽ tăng thêm 19,147,58 tỷ đồng (từ 9.878,89 lên thành 29.026,47 tỷ đồng).
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận cần 44.128,49 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển nhà ở.
Giải pháp nào phát triển thị trường bất động sản?
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã xác định hàng loạt giải pháp phát triển thị trường bất động sản như, tuân thủ pháp luật kinh doanh bất động sản, phát huy tác dụng chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng gồm kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở…
Bên cạnh đó tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, trong đó có hoạt động giao dịch kinh doanh nhà ở; góp phần quản lý thông tin giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân khi kinh doanh bất động sản thông qua các sàn giao dịch bất động sản theo hướng khuyến khích việc giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch; riêng các loại hình nhà ở, bất động sản có sẵn, đã được cấp giấy chứng nhận không bắt buộc thực hiện giao dịch qua sàn.
Một giải pháp khác cũng được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định là tuân thủ chính sách điều tiết để bình ổn và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản tạo cơ sở để cơ quan nhà nước các cấp, các ngành có thể chủ động đề xuất, thực hiện kịp thời các giải pháp cụ thể để bình ổn, điều chỉnh thị trường bất động sản và nhà ở khi thị trường rơi vào trạng thái bất ổn, “sốt nóng”, “đóng băng”.
Ngoài ra, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhà ở; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản của các bộ, ngành và địa phương; hoàn thiện việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả của các hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và bất động sản.