TIN MỚI
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, đã có 6 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ trong năm 2022.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân với lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.
Hai ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank và BIDV cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông đề ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank đạt hơn 21.113 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2021. BIDV tăng trưởng ấn tượng (tới 70%), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 23.058 tỷ đồng.
Bên nhóm tư nhân, Techcombank tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dù đứng thứ hai toàn hệ thống, nhưng so với kế hoạch lợi nhuận 27.000 tỷ đề ra hồi đầu năm, ngân hàng này mới thực hiện được gần 95%.
Đứng sau Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021. Ngân hàng này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm qua khi quy mô dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh mẽ tới 26,7%, lên 460.574 tỷ đồng.
VPBank là cái tên tiếp theo góp mặt trong danh sách lãi trên 2 vạn tỷ với lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021. Dù lợi nhuận quý IV giảm 47% so với cùng kỳ, song nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, VPBank vẫn lọt vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất hệ thống.
Ngoài 6 cái tên kể trên, Agribank nhiều khả năng cũng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ trong năm 2022. Trước đó, ngân hàng này báo lãi 6 tháng đầu năm tăng mạnh 60% lên hơn 15.000 tỷ, cao hơn cả VietinBank, Techcombank.
Theo giới chuyên môn, ngân hàng vẫn sống khỏe trong năm qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12 đạt 14,5%, cao hơn mức đạt được của năm 2021 là 13,61%.
Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục duy trì ở mức cao do sự gia tăng đáng kể của tiền gửi Kho bạc nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), qua đó hỗ trợ đà tăng của thu nhập lãi thuần.
Thực tế, động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần. Đơn cử như Vietcombank, thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới hơn 26% và đóng góp trên 78% tổng doanh thu của ngân hàng; trong khi tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2021 cũng là nhân tố chính giúp lợi nhuận MB và BIDV bứt phá.
Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu trong năm 2022 như VPBank, ACB, VietinBank và Sacombank.
Ở chiều ngược lại, vẫn xuất hiện những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2022 như OCB (-20%), ABBank (-13%) và NCB (-8%).
Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2022 có sự ”cải thiện” tốt hơn với tỷ lệ % TCTD nhận định ”cải thiện” (70,9%) cao hơn so với quý trước (63,8%) và kỳ vọng (70,4%).
Lợi nhuận trước thuế được nhận định tiếp tục có tăng trưởng nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ”cải thiện” so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.
Các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Một quý kinh doanh của Vietcombank hiệu quả hơn nhiều so với lợi nhuận cả năm của các ngân hàng lớn khác
Quang Hưng
Nhịp sống Thị trường