TIN MỚI
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang được dự đoán là sẽ tạo đà tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu, bù đắp cho sự suy thoái ở châu Âu và khả năng là ở Mỹ. Tuy nhiên, không như năm 2009, khi gói kích thích 4 nghìn tỷ NDT giúp khởi động quá trình hồi phục sau vụ phá sản của Lehman, thì năm 2023 quốc gia này lại tạo cú hích khác. Đó là đẩy lạm phát tăng vào đúng thời điểm Fed cùng các NHTW khác đang chạy đua để hạ nhiệt.
Đó là lý do tại sao Chủ tịch IMF – Kristalina Georgieva, gần đây cho biết rằng việc Trung Quốc ngừng áp dụng chính sách Zero Covid có lẽ là yếu tố quan trọng nhất với tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Song, bà cũng cảnh báo về tác động của động thái này đến lạm phát.
Bà phát biểu tại WEF ở Davos: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tin tốt lành là Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn giúp giá dầu và khí đốt tăng vọt, nhưng lại tạo áp lực lên lạm phát?”
Nền kinh tế lớn nhất châu Á sẵn sàng trỗi dậy
Bloomberg Economics dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng tốc từ 3% vào năm 2022 lên 5,8% vào năm 2023. Tác động của tăng trưởng của Trung Quốc với giá năng lượng và lạm phát toàn cầu có thể đẩy giá tiêu dùng lên gần 1% vào quý IV/2023. Nếu Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn, vượt 6,7%, thì mức tăng sẽ là gần 2%.
Trong bối cảnh CPI ở Mỹ gần đây chạm 9,1% và khu vực đồng euro là 10,6%, thì con số trên dường như không quá lớn. Nhưng khi các NHTW đang tập trung đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, thì bất kỳ con số nào cũng quan trọng. Nếu đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến lạm phát của Mỹ vẫn ở khoảng 5% trong quý II, thì có khả năng Fed vẫn chưa ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5.
Dự báo CPI toàn cầu dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2023.
Đối với phần còn lại của thế giới, sự khác biệt giữa Trung Quốc thời kỳ phong tỏa và thời kỳ bùng nổ, mở cửa trở lại đó là đẩy nhu cầu tăng thêm 500 tỷ USD, tương đương với việc “cộng thêm” sức chi tiêu của một Nigeria khác vào nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, những dự đoán về nhu cầu tăng lên đang hỗ trợ thị trường hàng hoá, trong khi các ngành dịch vụ và bán lẻ đang chuẩn bị cho sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc.
Giá đồng đã tăng vượt 9.000 USD/tấn và mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Air New Zealand đang tăng số lượng chuyến bay đến Thượng Hải. Cổ phiếu của hãng bán lẻ đồ xa xỉ LVMH Moet Hennesy Louis Vuitton đã tăng điểm và Swatch Group thì cho biết họ có thể đạt doanh thu kỷ lục khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể phần nào giúp Anh “cắt ngắn” cuộc suy thoái khi khách du lịch mạnh tay chi tiêu.
Rõ ràng rằng, sự hồi phục của Trung Quốc không thể đi theo đường thẳng. Việc dỡ bỏ các quy định Zero Covid đột ngột vào những tuần cuối cùng của năm 2022 đã khiến mọi hoạt động gặp khó khăn. Số ca tử vong và nhiễm bệnh không được công bố gây áp lực cho chi phí y tế công cộng cũng như triển vọng kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu bị dồn nén ở Trung Quốc vẫn chưa được xác định rằng liệu có tương tự như các nền kinh tế khác hay không vì Bắc Kinh không đưa ra gói kích thích quy mô lớn.
Những biến số khác như EU áp giá trần với dầu của Nga, thời tiết ở châu Âu, các quyết định về nguồn cung của OPEC và hàng tồn kho của các hãng bán lẻ có thể sẽ xoa dịu hoặc làm căng thẳng thêm tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại với lạm phát toàn cầu.
Dự đoán GDP Trung Quốc trong năm 2023.
Tuy nhiên, các số liệu đến nay được công bố cho thấy đà suy giảm của Trung Quốc đã kết thúc và tình hình dịch bệnh cũng đang lắng xuống. Số lượng bệnh nhân trong phòng cấp cứu của các bệnh viện đã giảm. Tàu điện ngầm ở các thành phố đông người di chuyển hơn. Và những dấu hiệu sớm cũng thể hiện rằng người dân đã chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động di chuyển từ kỷ nghỉ Tết Nguyên đán. 4 ngày đầu tiên của dịp lễ đã có khoảng 95,9 triệu chuyến đi bằng máy bay, tàu và ô tô.
Pan Mei, đến từ Liễu Châu, là một trong những hành khách như vậy. Cô đến thăm Macao trong kỳ nghỉ cùng chồng, con trai và 5 thành viên khác trong gia đình để gặp con gái đang học thạc sĩ ở đó. Vừa kết thúc chuỗi ngày phong toả, gia đình Mei đã thử vận may ở các sòng bạc và đến các trung tâm mua sắm.
Mei chia sẻ: “Dịch bệnh đã khiến chúng tôi không thể ra ngoài Trung Quốc quá lâu. Thật tuyệt khi có thể đưa các thành viên trong gia đình đi du lịch một lần nữa. Bây giờ, mọi thứ đã trở lại bình thường, chúng tôi có thể đi du lịch nhiều hơn.”
Song, làn sóng dịch bệnh khác xảy ra sau kỳ nghỉ lễ là điều dường như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vào cuối quý I, với tỷ lệ tiêm vaccine cao và khả năng miễn dịch cộng đồng, thì 1,4 tỷ người dân Trung Quốc được dự kiến có thể sống chung với virus.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng cho những lĩnh vực bất động sản và công nghệ là cũng đóng vai trò quan trọng, đã giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan.
Kể từ tháng 8/2020, khi các biện pháp kiểm soát với ngành bất động sản được ban hành, thì lĩnh vực này lại trở thành lực cản lớn với đà tăng trưởng. Năm 2022, doanh số bán nhà giảm 24%, đầu tư giảm 10% và giá cả rơi vào tình trạng trì trệ.
Trung Quốc chuẩn bị “xuất khẩu” lạm phát
Giờ đây, khi Bắc Kinh một lần nữa tập trung vào mục tiêu hồi phục đà tăng trưởng, thì các biện pháp hỗ trợ cho các nhà phát triển cũng như người mua đã được đưa ra. Dù triển vọng dài hạn với lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự khả quan, nhưng ít nhất vào năm 2023 sẽ trở nên “sáng sủa” hơn một chút. Bloomberg Economics dự đoán hoạt động đầu tư giảm 3%, tạo ít lực cản với nền kinh tế hơn so với năm 2022.
Theo đó, các doanh nhân gặp khó khăn cũng “thở phào”. Kể từ tháng 11/2020, khi đợt IPO của Ant Group bị hủy bỏ, các công ty công nghệ đã bị giáng những đòn mạnh và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Tháng 10/2022, chỉ số Nasdaq Golden Dragon đã giảm gần 80% so với mức đỉnh.
Số lượng hành khách di chuyển bằng tàu điện ngầm ở Bắc Kinh; Diễn biến của chỉ số Nasdaq Golden Dragon và Hang Seng theo dõi các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, đối với bất động sản, Bắc Kinh đã quyết định mục tiêu cấp bách trong ngắn hạn đó là hồi phục đà tăng trưởng, là mối ưu tiên cao hơn việc kiểm soát tiềm lực của các tập đoàn lớn. Tại Davos, Phó Thủ tướng Liu He cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ thêm cho các doanh nhân, giúp cổ phiếu công nghệ nước này hồi phục.
Những thay đổi đó là lý do tại sao triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc được cải thiện và các nhà hoạch định đặt ra câu hỏi về tác động của các động thái này với lạm phát.
Hôm 13/1, Thống đống NHTW Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đẩy giá dầu lên cao. Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cũng bày tỏ quan điểm không chắc chắn về những tác động đến lạm phát và đặc biệt là với hàng hoá. Còn Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng nhắc lại mối lo ngại đó ở Davos.
Áp lực giá từ Trung Quốc có thể sẽ được chuyển đi thông qua 2 “phương tiện”.
Đầu tiên là rủi ro xảy ra cú sốc nguồn cung khi làn sóng Covid ban đầu khiến các nhà máy gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Số liệu PMI cho thấy hoạt động sản xuất giảm 5 tháng liên tiếp. Mối lo ngại ở đây là tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ lặp lại dù ở quy mô nhỏ hơn.
Sau đó là cú sốc về nhu cầu khi cuộc sống trở lại bình thường và hoạt động mua bán tăng lên. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc không thay đổi trong đại dịch và có thể tăng cao hơn khi đường cao tốc, nhà ga và sân bay nhộn nhịp trở lại. Theo đó, giá dầu từ mức đáy 76 USD/thùng vào đầu tháng 12 đã tăng lên khoảng 86 USD vào tháng 1. Nhà phân tích hàng hóa Jeff Currie của Goldman Sachs cho biết giá dầu có thể tăng lên 105 USD hoặc cao hơn.
Nhìn chung, những cú sốc đó có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng gần 1% vào cuối năm 2023. Những bất ổn cả về quỹ đạo hồi phục của Trung Quốc và những động lực khác sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giá cả toàn cầu. Năm 2008, gói kích thích của Trung Quốc là điểm sáng với phần còn lại của thế giới. Còn năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang theo cả may mắn và rủi ro.
Tham khảo Bloomberg
Một thành phố chi hơn 1.500 tỷ xây hầm gửi xe đạp dưới nước: Mục đích là để người dân ‘bỏ’ dần ô tô
Chi Lan
Nhịp sống thị trường