TIN MỚI
Sau khi xuống đáy 2 năm vào giữa tháng 11, thị trường chứng khoán đã hồi phục khá mạnh trong nửa sau của quý 4/2022 cùng thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để giúp các công ty chứng khoán thoát khỏi một quý kinh doanh ảm đạm.
Theo ước tính, tổng lợi nhuận trước thuế của top 30 CTCK hàng đầu trong quý 4/2022 chỉ đạt khoảng 1.650 tỷ đồng, giảm gần 45% so với quý trước và chỉ bằng 1/5 so với đỉnh đạt được cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của các CTCK ghi nhận sự sụt giảm so với quý liền trước.
Sau khoảng thời gian thăng hoa cùng thị trường trong giai đoạn quý 4/2021 đến quý 1/2022, lợi nhuận của hầu hết các CTCK đã bắt đầu có xu hướng đi xuống rõ rệt. Những biến động không thuận lợi trong bối cảnh thanh khoản heo hút đã ảnh hưởng đáng kể đến các mảng hoạt động chính của nhóm chứng khoán như môi giới, cho vay và tự doanh. Không còn bùng nổ với các khoản lợi nhuận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ, quý 4/2022 chỉ ghi nhận 8 CTCK lãi trên trăm tỷ đồng.
Với nền so sánh rất cao cùng kỳ năm ngoái, hầu hết các CTCK đều đã tăng trưởng âm, thậm chí một số cái tên còn thua lỗ nặng. Một loạt cái tên “đình đám” như TCBS (-67%), SSI (-77%), VCSC (-94%), SHS (-76%), VPS (-61%),… đều báo lãi giảm hàng chục %. Đáng chú ý, VNDirect chỉ lãi trước thuế vỏn vẹn 9 tỷ đồng, “bốc hơi” đến 99% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 14 tỷ đồng. Trong khi đó, VIX và APG đều lỗ kỷ lục trong quý cuối năm.
Trong bối cảnh thị trường hồi phục trong nửa sau của quý 4 với thanh khoản được cải thiện, mảng tự doanh và môi giới dù không quá khởi sắc nhưng cũng không đến nỗi tệ nếu so với quý 3 trước đó. Mặt khác, hoạt động cho vay lại bị thu hẹp đáng kể sau các hoạt động call margin và bán giải chấp diễn ra gay gắt.
Sau khi tăng nhẹ trong quý 3, dư nợ cho vay toàn thị trường đã sụt giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm 2022. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tại thời điểm 31/12/2022 vào khoảng 120.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD), giảm 40.000 tỷ so với quý trước. Nếu tính thêm nguồn cho vay 3 bên, con số có thể lớn hơn. Trong số đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) ước tính vào khoảng 115.000 tỷ đồng, cũng giảm khoảng 40.000 tỷ so với cuối quý trước.
Trong quý 4, hoạt động “call margin” và bán giải chấp diễn ra có phần cục bộ hơn thay vì trên diện rộng như giai đoạn trước. Tâm điểm cũng không phải là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mà tập trung vào các cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đây là một trong những thành phần đóng vai trò chủ yếu thúc đẩy dư nợ margin tăng nhẹ trở lại trong quý 3 trước đó.
Có thể thấy, kể từ khi đạt đỉnh vào cuối quý 1/2022, dư nợ margin trên thị trường đã có xu hướng giảm và bớt căng cứng hơn nhiều sau liên tiếp những làn sóng bán giải chấp. Mặt khác, nhiều CTCK cũng triển khai tăng vốn khủng trong năm qua qua đó đưa tỷ lệ margin/VCSH xuống dưới 1 lần thay vì xấp xỉ 2 lần (mức tối đa theo quy định) vào cuối quý 1/2022. Điều này đồng nghĩa với việc các CTCK vẫn còn nhiều dư địa cho vay và áp lực tăng vốn cũng không còn quá cấp bách như thời điểm cách đây một năm.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường