TIN MỚI
Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định rằng với triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát cao trong 2-3 quý đầu năm và cải thiện dần về cuối năm, VN-Index có thể dao động mạnh trong 2-3 quý đầu 2023 với biên độ 350 điểm và hồi phục trong quý cuối năm với mức điểm số có thể tăng lên 1.275 điểm.
Ngoài ra, đội ngũ phân tích ABS dự báo xu hướng lãi suất sẽ giảm dần từ nửa cuối năm 2023 trở đi trong khi tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong 2024 khiến kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng trở nên sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn với lượng TPDN phát hành mới sẽ giảm thấp, từ đây hạn chế cơ hội cho nhà đầu tư.
Với những phân tích trên, câu chuyện đầu tư mà các chuyên gia ABS hướng tới năm nay sẽ xoay quanh các chủ điểm chính liên quan tới xu hướng giải ngân vốn đầu tư công, câu chuyện mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tiến độ triển khai các dự án lớn ngành Dầu khí,…
Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt và là động lực tăng trưởng kinh tế
Báo cáo nêu rõ xu hướng đầu tư công sẽ tiếp tục là điểm sáng của năm 2023, đi kèm triển vọng giải ngân dự kiến khả quan hơn năm 2022 trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ Ban Ngành và sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương có dự án đi qua.
Đồng thời, giá nguyên vật liệt như sắt thép, xi măng, đá xây dựng,… có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ tác động tích cực tới việc triển khai các dự án. Nguồn cung đất, đá xây dựng cũng phần nào được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Thời gian được rút ngắn khi Bộ GTVT được chỉ định thầu tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam GĐ 2 giúp triển vọng giải ngân đầu tư công trở nên khả quan hơn.
Một số dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý thời gian tới bao gồm triển khai các dự án thành phần còn lại thuộc Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1; Dự án Cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2; Dự án sân bay quốc tế Long Thành,…
Nhờ đó, nhóm phân tích ABS đánh giá ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng sẽ là những ngành được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trung Quốc mở cửa tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam
Báo cáo cũng chỉ ra một tâm điểm đầu tư đáng chú ý khác trong năm đến từ việc tháo bỏ chính sách Zero-Covid và mở cửa trở lại của Trung Quốc. Động thái này hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ ngành hàng không và du lịch nước ta.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang quốc gia này đang có sự suy giảm đáng kể trong năm 2022 (ở mức 3,1% so với cùng kỳ). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này của nước ta trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 17,8% & 14,3%.
Nguyên nhân của mức tăng trưởng thấp này là do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid nên xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, trong đó rau quả, gạo, hàng dệt may, hạt điều, dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo… bị sụt giảm mạnh.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta, do đó việc Trung Quốc mở cửa sẽ mang lại nhiều kỳ vọng cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, lương thực, xi măng.
Nhiều câu chuyện khác kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay
Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến được ban hành chính thức sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực lên nhóm cổ phiếu ngành điện.
Về tiến độ triển khai các dự án lớn ngành Dầu khí: Dự án Lô B-Ô Môn đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay. Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã có kết luận đốc thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVN, EVN, MOECO, PTTEP đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, ký hợp đồng EPC cùng các thỏa thuận thương mại, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện phương án thu xếp vốn… ngay trong những tháng đầu năm 2023.
ABS cho rằng việc các dự án lớn của ngành, đặc biệt là Dự án Lô B-Ô Môn được thúc đẩy tiến độ triển khai sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong ngành thêm việc làm và từ đó kỳ vọng sự cải thiện kết quả kinh doanh.
Mặt khác, ABS nhận định mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất cho tới hết Quý 2/2023 và sẽ là điều kiện lý tưởng cho các doanh nghiệp bảo hiểm và các doanh nghiệp có lượng tiền dồi dào.
Về câu chuyện M&A, nhóm phân tích ABS cho rằng sẽ có xu hướng các doanh nghiệp lớn đầu ngành chiếm lĩnh thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ yếu kém phải thu hẹp quy mô và/hoặc rời bỏ thị trường. Dự kiến hoạt động M&A có thể diễn ra sôi động trong năm 2023, đặc biệt trong ngành bất động sản và ngân hàng.
Chiến lược hành động: 2 vùng giá giải ngân đầu tư
Trên kịch bản cơ sở, ABS dự báo VN-Index sau nhịp hồi trung hạn lên vùng cao nhất 1.215 điểm trong quý 1 có thể sẽ biến động theo xu hướng sideway trong vùng 780-1.150 điểm cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết. Trong quý cuối năm, VN-Index có thể tăng điểm lên 1.275 điểm.
ABS đưa ra chiến lược đầu tư chủ đạo năm nay là giao dịch năng động mua thấp bán cao, ít nhất trong 2-3 quý đầu năm.
Báo cáo nêu rõ: “Hai vùng giá giải ngân là khi thị trường giảm xuống các vùng giá 870-930 điểm và 780-820 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ trung dài hạn nên chờ đợi vùng đáy trung – dài hạn của thị trường, nhiều khả năng sẽ xác nhận trong quý 3/2023 ở mức 780-820 điểm để giải ngân.”
Các dòng cổ phiếu ưu tiên cho giao dịch năng động bao gồm các dòng cổ phiếu có thông tin vĩ mô hỗ trợ, có câu chuyện đầu tư như Đầu tư công (Xây dựng hạ tầng, VLXD), Trung Quốc mở cửa (Thủy sản, Thép, Xi măng), Dầu khí, Nhiệt điện, Y tế, Bảo hiểm, một số Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có câu chuyện M&A.
Với chiến lược đầu tư giá trị, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu trong các ngành có tính chất phòng thủ, có dòng tiền đều, trả cổ tức tiền mặt cao và định giá thấp như Điện, Nước, Dầu khí, Bảo hiểm, một số Ngân hàng có cơ bản tốt và triển vọng lợi nhuận tăng mạnh trong 2023.
Dương Ngọc
Nhịp sống thị trường