Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đến 2030, xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội
Mục tiêu tổng quát là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, đến năm 2030, cả nước sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Nhà ở xã hội sẽ được phát triển mạnh trong năm 2023.
Trong khi đó, ghi nhận nhiều kết quả đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp…
“Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng, cho đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Đồng thời đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn“, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vẫn khó tiếp cận
Mặc dù vậy, ông Sinh vẫn chỉ rõ những vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn…khiến nhiều người khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.
Chia sẻ cụ thể hơn về những vướng mắc này, ông Hà Quang Hưng cho hay, hiện nay một số địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định. Còn tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất, bố trí chỗ ở cho công nhân, người lao động của mình.
Nguồn vốn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 3.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định).
Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Đối với gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, đến hết tháng 10/2022 cả nước đã giải ngân được 3.017/15.000 tỷ đồng cho 8.379 khách hàng, đạt khoảng 20% mục tiêu đề ra.
Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, đến nay chưa dự án nào được vay vốn ưu đãi.
Để tháo gỡ các vướng mắc này, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.416.700 căn.
Giao trách nhiệm các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tạo nguồn cung cho thị trường.
Ông Hà Quang Hưng cũng nhấn mạnh, cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân, phải dành quỹ đất, kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê. Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể phân cấp, đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng…để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường.