Điều gì đón chờ các ngân hàng hậu cuộc đua lãi suất huy động?

TIN MỚI

Vì sao các ngân hàng phải huy động với lãi suất cao?

Có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng phải thu hút tiền gửi với lãi suất cao. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với tăng trưởng tiền gửi là yếu tố được giới phân tích đề cập nhiều nhất.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm.

Tổng hợp mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm % so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 2,68 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 0,11 điểm % so với mức trung bình của tháng 12 và tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ 2022.

Mặc dù tăng lãi suất có thể giúp các ngân hàng thu hút tốt hơn lượng tiền gửi. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực đến một số chỉ tiêu khác như NIM, CASA, chất lượng tài sản,…

Chất lượng tài sản, NIM, Casa các ngân hàng sẽ thế nào trong thời gian tới?

Theo các chuyên gia, việc huy động với mức lãi suất cao có thể khiến cho chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng lên. Để đảm bảo biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng có thể chọn việc đẩy áp lực này sang người tiêu dùng bằng cách tăng lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, điều này lại góp phần làm giảm khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ của người đi vay. Từ đó, chất lượng tài sản của các nhà băng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Dự báo về tình hình lãi suất huy động thời gian tới, ông Đặng Trần Phục, Tổng Giám đốc công ty tư vấn và đào tạo tài chính AzFin cho biết, lãi suất huy động khó có thể hạ nhiệt trong quý I/2023.

“Lượng lớn trái phiếu đáo hạn; lãi suất của FED liên tục tăng lên; đồng thời tiền trong hệ thống cũng ít hơn (chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn VND) đã tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống ngân hàng thương mại và khiến cho các định chế này phải đẩy lãi suất huy động tăng lên. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi đã cao hơn 3% so với cuối năm 2021. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết quý 1/2023”, ông Phục chia sẻ.

Điều gì đón chờ các ngân hàng hậu cuộc đua lãi suất huy động? - Ảnh 1.

Ông Đặng Trần Phục, CEO – AzFin

Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ không kéo dài và lãi suất có thể giảm từ quý 2/2023 vì các lý do:

Thứ nhất: dòng tiền đầu tư công giải ngân từ ngân sách nhà nước mạnh đã phần nào giải cơn khát cho nền kinh tế.

Thứ hai: NHNN đã và đang mua USD, cung tiền VND nhờ đó cũng được tăng lên. Dự kiến thời gian tới các hoạt động này sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và thanh khoản có thể dồi dào hơn.

Thứ ba: Có thể FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tạo đỉnh trong quý 4/2022 ở mức 4,35%, đến đầu năm 2023 chỉ còn 3,4% và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mặt khác, chỉ số sức mạnh đồng USD, DXY đã tạo đỉnh tại 114 điểm và đến đầu tháng 1/2023 chỉ còn 102 điểm. Áp lực lên lãi suất VND cũng sẽ theo đó mà thấp hơn trước.

Thứ tư: Việc Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát ở mức tương đối ổn định 4,5%, thì lãi suất sẽ không thể chênh quá cao so với lạm phát.

“NIM có thể giảm do lãi suất đầu vào tăng khá cao cuối năm 2022 đầu năm 2023. Trong khi đó, cho vay đầu ra gặp nhiều khó khăn vì lãi vay đã ở mức cao và ngân hàng không thể chuyển toàn bộ phần lãi suất đầu vào tăng thêm cho khách hàng.

Mặt khác, năm 2023 là năm nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn. Nếu duy trì lãi suất cao, cầu về tín dụng nhiều khả năng sẽ giảm. Vì lẽ đó các ngân hàng sẽ phải giảm lãi cho vay để thu hút khách hàng và đủ sức cạnh tranh với thị trường”, ông Phục dự báo về NIM của các ngân hàng.

Còn về chất lượng tài sản, chuyên gia cho rằng chỉ tiêu này hiện nay chủ yếu đang chịu áp lực từ thị trường bất động sản nhiều hơn. Dự báo năm 2023 nợ xấu có thể tăng 0,2-0,5% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng nợ xấu theo đó có thể tăng 20-30% so với năm 2022.

Ở chỉ tiêu CASA, năm 2023 lượng tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng có thể duy trì ở mức ổn định hoặc tăng do: 1) công nghệ phát triển khiến người dân sử dụng nhiều hơn các dịch vụ từ ngân hàng; 2) năm 2023, cung tiền được dự báo sẽ dồi dào, song nền kinh tế lại có phần khó khăn hơn, do đó doanh nghiệp có thể sẽ để nhiều tiền hơn ở trong tài khoản để chuẩn bị cho các cơ hội kinh doanh; 3) ngân hàng ngày càng cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ cho người tiêu dùng hơn và liên tục có những chính sách ưu đãi để thu hút CASA mạnh hơn.

Chuyên gia: Đang có 6 ngân hàng hoạt động tốt và định giá hấp dẫn

Văn Tuệ

Nhịp Sống Thị Trường

Bài viết mới