TIN MỚI
Tôi nhớ một năm trước khi về quê, tới thăm từng nhà người thân trong họ hàng để hỏi thăm sức khỏe và có cơ hội trò chuyện. Tôi đã từng “sửng sốt” và đầy “bất ngờ” khi 10 người mình gặp gỡ trò chuyện có tới 7 người đang buôn đất.
Anh họ tôi, một người chuyên lái xe ô tô chở khách hơn 6 năm đã bén duyên trở thành môi giới bất động sản từ năm 2020. Ngoài môi giới, anh còn kể về thương vụ đầu tư chớp nhoáng ở khu vực vùng ven khu đô thị, khu công nghiệp. Doanh thu một tháng lái xe ngoài ước tính 10-12 triệu đồng/tháng và vào dịp lễ Tết, tổng thu nhập từng lên tới 40 triệu đồng. Nhưng, anh bảo rằng, doanh thu chạy xe không bằng buôn đất.
Nơi thôn quê, chỉ một năm trước, người người, nhà nhà bàn chuyện đi buôn đất. Ảnh: Việt Khoa
Một người anh họ xa khác, chủ hãng sữa nội ở Việt Nam. Doanh thu từ sữa khá tốt nhưng khi nói chuyện, anh vẫn nhấn mạnh: “Nhờ buôn đất mà anh mới có thêm khoản tích lũy hời”.
Hay một người bạn của chồng tôi năm ngoái đến nhà chúc Tết bằng chiếc xe ô tô gần 500 triệu sáng loáng. Anh bảo, đây là xe của vợ còn anh tính mua cho bản thân một con xe khác. Anh thật thà kể: Nhờ buôn lãi vài lô đất nên mới đổi đời. Mấy năm trước làm kĩ sư xây dựng trong công ty, vừa nợ lương, vừa lương thấp, vợ chồng anh cũng chật vật khó khăn. Kể từ ngày anh chuyển việc, làm cho công ty chuyên về kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Cứ khi nào có công ty xin được chủ trương, anh và vài người đồng nghiệp đã mua sẵn mấy lô đất ven khu công nghiệp. 2-3 tháng, đất tăng 100%, anh lại bán. Nhờ thế mà anh mới kiếm được khoản tiền lớn để mua xe, mua nhà mới.
Và chỉ một năm trước, hàng xóm đến chúc Tết nhau lại pha thêm câu chuyện đầy “sửng sốt”: Người này mới bán lời vài trăm triệu, tiền tỷ chỉ nhờ cơn sốt đất, đất nhà ông A. có người trả tận 1,5 tỷ đồng… Ngoảnh đi ngoảnh lại, người ta đều làm thêm nghề tay trái bằng việc buôn đất. Người chưa từng đi đầu tư cũng sốt sắng nghĩ: “Phải nhanh mua lấy miếng đất không thì 1-3 năm sau, giá đất đã tăng gấp 3 lên”. Hay không mua bây giờ thì biết đến bao giờ mới có thể mua, mới đổi đời.
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi chỉ chưa đầy một năm. Những câu chuyện buôn đất lời lớn đã không còn là chủ đề chính của cuộc trao đổi ngày Tết. Người anh họ tôi năm nay bận rộn với những cuốc xe, từ sáng đến đêm khuya Anh cười bảo: “Không nhận chạy xe thì đói”. Hỏi chuyện buôn đất, anh tâm sự: “Đất khó bán lắm”. Ngay cả khi lô đất đã cắt lỗ tới 25% nhưng người mua cũng không có. Anh giờ phải chạy xe để trả tiền lãi ngân hàng vì 3 lô đất đang nằm ế ẩm.
Hay người bạn của chồng tôi, Tết này đến hỏi thăm, nhắc đến đầu tư đất, anh lại lắc đầu cười: “Hết thời buôn đất rồi! Thị trường trầm lắm!”. Anh kể, anh vẫn may mắn vì thoát hàng kịp ngay sau Tết Nguyên đán năm 2022. Chỉ còn lại 2 lô đất, anh dự tính để thêm vài năm vì nhu cầu không dùng tới. Giờ anh chỉ cần nhận lương đúng hạn, đủ để lo sinh hoạt gia đình và nuôi con. Còn những người bạn anh, vay tiền ngân hàng đầu tư đất, đang đau đầu khi “không có Tết” vì khoản nợ lớn. Có người bạn của anh còn chẳng về quê vì nợ nần đầu tư.
Những câu chuyện của thôn quê đã quay trở lại, xoay quanh cuộc sống của họ hàng, của những người hàng xóm. Suy nghĩ “nhất định phải mua lô đất để đổi đời” đã không còn bủa vây trong mọi câu chuyện ngày Tết. Thị trường bất động sản đã thực sự chững lại. Ngay cả lô đất quê ở vùng nông thôn cũng im lìm về giá, thậm chí còn cắt lỗ 100-200 triệu đồng. Môi giới, nhà đầu tư cũng vắng bóng, không còn hiện diện trong câu chuyện của bác hàng xóm, hay những nhà kinh doanh tay ngang.
Tại sao phải “gồng” mình trả nợ lãi tiền mua nhà khi thu nhập thấp?
Việt Khoa
Nhịp sống thị trường