Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, làm đúng lộc may thăng hạng

Vào dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam, có nhiều phong tục, lễ nghi được người dân gìn giữ từ đời này qua đời khác với hy vọng đem lại sự may mắn, tài lộc cho gia đình. Trong đó, tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” của người Việt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

dau-nam-mua-muoi

Theo quan niệm của người xưa, muối mặn tượng trưng cho sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, các mối quan hệ làm ăn tốt đẹp và giúp xua đuổi tà khí, đem lại may mắn.

Bên cạnh đó, cùng với gạo, muối là thứ gia vị lâu đời, không thể thiếu trong căn bếp của người Việt, biểu tượng của sự no đủ.

Vì vậy, sau khi đón giao thừa hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, nhiều người lại mua những túi muối nhỏ về để lấy may. Những người bán muối rong cũng đong đầy bát, có ngọn cho khách chứ không gạt ngang để mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn.

Sau khi đem muối về nhà, người ta thường chia thành các túi nhỏ hoặc cho vào bao lì xì để tiện cất giữ. Người làm ăn buôn bán sẽ để túi muối ở quầy hàng mong đắt khách, người đi xa cũng bỏ vào vali một ít để lộ trình bình an.

Trước đó, vào những ngày cuối năm, đặc biệt là sau 23 tháng Chạp, người ta thường mua vôi quét lại nhà, cổng nhằm xóa đi những điều không may trong năm cũ, đến với khởi đầu mới tốt đẹp, tươm tất hơn. Vôi trắng cũng giúp quét lại nhà cửa cho sáng sủa, chuẩn bị đón năm mới.

cuoi-nam-mua-voi

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” còn là câu ngụ ý cha mẹ muốn con cái mua “muối mặn” để ăn uống tiết kiệm, dành tiền cuối năm mua vôi tậu nhà.

Ngoài tục mua muối để lấy may ngày đầu năm, nhiều nơi còn kiêng không quét nhà mùng 1 hoặc chỉ gom rác lại, dồn vào một góc chứ không hất ra khỏi cửa vì cho rằng sẽ quét hết tài lộc ra ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều người còn kiêng vay mượn, làm đổ vỡ đồ đạc, cho người khác nước, lửa hoặc đánh thức người đang ngủ để tránh điều xui xẻo.

Bài viết mới